Với hình dáng tương đồng, nhiều tài xế có thể nhầm lẫn ý nghĩa của các loại biển báo, từ đó vi phạm luật giao thông.
Biển phân làn – khi nào ôtô dọc, khi nào ôtô ngang
Biển cấm môtô và xe gắn máy
Trong câu hỏi Biển nào xe gắn máy được phép đi? có tới 70% độc giả trả lời sai. Nguyên nhân là do nhiều độc giả bị nhầm lẫn khái niệm xe gắn máy và xe máy.
Xe môtô (hay còn gọi là xe máy) có dung tích động cơ từ 50 phân khối (cc, cm3) trở lên, trọng tải bản thân xe không quá 400 kg. Người sử dụng nhóm xe này phải có giấy phép lái xe hạng A1 trở lên và từ 18 tuổi trở lên. Trong khi xe gắn máy có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, dưới 50 phân khối. Người sử dụng nhóm xe này không cần có giấy phép lái xe và từ 16 tuổi.
Cách phân biệt đơn giản là biển “xe máy/môtô” có người ngồi trên, còn biển xe gắn máy thì không có người.
Biển cấm trọng tải xe
Theo quy định, biển số P.106b là biển cấm ôtô tải, máy kéo và các xe máy chuyên dùng có khối lượng chuyên chở (xác định theo đăng kiểm) lớn hơn giá trị chữ số ghi trong biển (chữ số tấn ghi bằng màu trắng trên hình vẽ xe).
Trong trường hợp này không quan tâm đến việc xe có chở hàng hay không, mà chỉ quan tâm đến khối lượng của xe trên Giấy chứng nhận. Thông thường loại biển này thường sử dụng ở những đường nhỏ, cầu nhỏ.
Biển P.115 cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng lượng toàn bộ (cả xe và hàng) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua. Loại biển này thường dùng ở nơi cầu yếu, mặt đường yếu.
Biển cấm rẽ trái và quay đầu
Trước 2016, luật giao thông Việt Nam quy định, biển báo cấm rẽ trái đồng nghĩa cấm cả quay đầu. Tuy vậy, kể từ quy chuẩn 41/2016, điều này không còn đúng. Tức là, hiện biển vẽ thế nào thì chỉ cấm nội dung như vậy. Gặp biển cấm rẽ trái, xe vẫn được quay đầu. Nếu cấm cả rẽ trái và quay đầu sẽ có biển gộp như hình trên.
Biển báo sử dụng làn đường
Biển phân làn trên đường Ngô Quyền, Đà Nẵng. Ảnh:Vũ HuyềnR.412 và R.415 là loại biển báo đều liên quan đến quy định về sử dụng làn đường trên đường bộ. Sự khác biệt chính giữa R.412 và R.415 là trong cách chúng định hình việc sử dụng làn đường trên đường bộ. Nếu biển R.412 chỉ định rõ ràng các làn đường dành riêng cho từng loại phương tiện, thì biển R.415 cho phép sử dụng chung làn đường cho nhiều loại phương tiện.
Biển R.415 trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh:Võ Hải
Ví dụ ở trên tại đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, chỉ 2 làn đường dành riêng ôtô, còn lại các làn khác gộp chung, nhiều nhất là 3 loại phương tiện xe buýt, ôtô, xe máy.
Biển báo đường ưu tiên và biển báo chú ý xe đỗ
Cả hai biển quy cách thiết kế là hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, không có nội dung bên trong, nhưng chiều quay khác nhau.
Biển số W.208 có tam giác quay xuống là biển “Giao nhau với đường ưu tiên”, được đặt trên đường không ưu tiên, để báo trước sắp đến nơi giao nhau với đường ưu tiên.
Biển báo W.247 có tam giác quay lên là biển “Chú ý xe đỗ”, cảnh báo có các loại ôtô, máy kéo, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ôtô hoặc ôtô đầu kéo, xe máy chuyên dùng đang đỗ chiếm một phần đường xe chạy, phải đặt trên mặt đường biển số W.247 . Biển được đặt cách xe phía trước và phía sau xe (theo chiều đi) 5 m. Đối với đường một chiều, chỉ đặt một biển sau xe (hoặc đoàn xe) đỗ. Đối với đoàn xe gồm nhiều xe cùng đỗ, chỉ đặt biển này ở phía trước xe đầu và sau xe cuối của đoàn xe trên đường hai làn xe. Biển đặt trực tiếp trên mặt đường.
Biển cầu vồng, cửa chui và đường hầm
Với hình vẽ dễ nhầm lần, nhiều tài xế thường nhầm đây đây đều là biển hầm chui. Tuy vậy, cụ thể như sau:
Biển báo Cửa chui W.218 để báo trước sắp đến đường có cổng chắn ngang, kiểu cổng như đường hầm, cổng thành, cầu vượt đường bộ dạng cầu vòm. Biển Cầu vồng W.237 được đặt để nhắc nhở lái xe phải điều khiển xe cẩn thận khi đến gần công trình có độ vồng lớn, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Đường hầm W.240 nhắc lái xe chú ý chuẩn bị đi vào hầm đường bộ. Biển đặt ở bên phải chiều đi trước khi vào hầm.