Đảm bảo lái xe đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, không ham vượt xe,… là những kinh nghiệm mà các tài xế cần “nằm lòng” khi chạy trên cao tốc.
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên cao cốc Cam Lộ – La Sơn vào sáng 18/2 vừa qua khiến không ít người đặt câu hỏi về sự an toàn khi lái xe trên cao tốc, đặc biệt là kỹ năng xử lý của tài xế xe con trong vụ việc này.
Ngoài ra, anh Tân cũng nhận định, một số đường cao tốc tại Việt Nam chưa hoàn chỉnh (đường có ít làn, vẫn cho xe máy chạy cùng, thiếu điểm nghỉ chân cho xe dừng đỗ,…) cộng với ý thức của cánh tài xế chưa cao nên vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn. Do vậy đòi hỏi người lái phải có một số kinh nghiệm cũng như kỹ năng xử lý nhất định.
Theo anh Hoàng Tân, lái xe trên đường cao tốc khá “nhàn”, nhưng không dễ. (Ảnh NVCC)
Khi lái xe trên đường cao tốc, cần nhớ nằm lòng ít nhất 7 quy tắc sau để đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện xung quanh:Xem nhanh:
• 1. Đảm bảo đúng tốc độ
• 2. Giữ khoảng cách
• 3. Đi xe trên làn phù hợp
• 4. Chỉ chuyển làn khi đảm bảo an toàn
• 5. Không ham vượt xe
• 6. Không đi vào làn khẩn cấp
• 7. Hạn chế tối đa dừng đỗ xe trên cao tốc
1. Đảm bảo đúng tốc độ
Hầu hết cao tốc ở Việt Nam đều cho phép xe di chuyển tới tốc độ từ 90-120 km/h. Tốc độ tối đa trên mỗi đoạn đường đã được nghiên cứu dựa trên hiện trạng kỹ thuật cũng như lưu lượng phương tiện. Do vậy, khi lái xe cố tình chạy nhanh hơn so với tốc độ tối đa đều sẽ có nguy cơ gặp nguy hiểm ngoài ý muốn, đồng thời có thể bị xử phạt nặng.
Theo anh Hoàng Tân, việc chạy đúng tốc độ không chỉ là đảm bảo chạy nhỏ hơn hoặc bằng tốc độ tối đa cho phép mà còn phải đảm bảo cả việc chạy trên tốc độ tối thiểu. Việc đi quá chậm trên cao tốc đôi khi còn mất an toàn hơn cả việc chạy quá tốc độ.
2. Giữ khoảng cách
Các chuyên gia về lái xe an toàn cho rằng, giữ khoảng cách an toàn là yếu tố sống còn khi lái xe trên đường cao tốc bởi với tốc độ rất cao, nếu không giữ đúng khoảng cách sẽ không kịp xử lý (phanh, đánh lái,…) nếu gặp tình huống bất ngờ, rất dễ xảy ra tai nạn.
Về khoảng cách an toàn, lái xe có thể căn cứ trên biển báo được đặt trên từng tuyến đường hoặc dựa trên quy định về hoảng cách an toàn trên đường tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019.Khoảng cách an toàn trên đường được quy định tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019.
Ngoài ra, những lái xe có kinh nghiệm có thể áp dụng quy tắc “3 giây” để tự đo khoảng cách giữa xe mình với xe phía trước. Ví dụ như một phương tiện đang di chuyển với tốc độ 90km/h, tức là mỗi giây đi được 25m. Trong 3 giây, chiếc xe đó di chuyển được 75m. Đây là khoảng cách đủ an toàn để tài xế kịp xử lý, phanh và tránh va chạm xảy ra.
3. Đi xe trên làn phù hợp
Tại Việt Nam, đường cao tốc thông thường sẽ có khoảng 2-3 làn đường dành cho xe chạy. Một nguyên tắc đó là xe chạy ở làn bên trái luôn có tốc độ cao hơn xe ở làn bên phải.
Anh Tân đưa ra lời khuyên, nếu lưu thông với tốc độ trung bình thì nên di chuyển ở làn giữa, tránh “bám” làn bên trái vì làn này ưu tiên cho xe có ý định muốn vượt. Khi đi ở làn giữa cũng giúp chúng ta có tầm nhìn thông thoáng và có nhiều sự lựa chọn để đánh lái hơn nếu không may gặp phải những tình huống bất ngờ.
Giữ khoảng cách và đảm bảo an toàn khi chuyển làn là kỹ năng mà các tài xế luôn phải nắm vững khi đi trên cao tốc. (Ảnh: Hoàng Hiệp)4. Chỉ chuyển làn khi đảm bảo an toànChuyển làn cũng là một kỹ năng mà các tài xế cần hết sức chú ý khi đi trên cao tốc. Các chuyên gia cho rằng, khi nhập làn trên đường cao tốc, tài xế phải giữ nguyên hoặc tăng nhẹ tốc độ, sau đó thực hiện việc chuyển làn tuần tự. Khi thấy ổn định ở làn kế bên thì chuyển sang làn tiếp.
Khi chuyển làn, tài xế bắt buộc phải quan sát thông qua gương chiếu hậu, đồng thời bật đèn tín hiệu để báo hiệu cho các xe khác biết. Việc chuyển làn đột ngột, chuyển làn liên tiếp là hành động rất nguy hiểm mà các tài xế cần tránh.
5. Không ham vượt xe
Vượt xe thiếu an toàn chính là lý do hàng đầu dẫn tới tai nạn trên cao tốc. Trên thực tế, nhiều tài xế sau khi vượt các xe cỡ lớn từ phía bên phải đã đánh lái nhanh sang trái, dẫn đến những tình huống tạt đầu, xe bị xoay ngang rất nguy hiểm.
Theo anh Tân, khi lái xe trên đường trường nói chung và đường cao tốc nói riêng không nên “ham hố” vượt xe khác, nhất là vượt xe không đảm bảo tốc độ và khoảng cách. Khi cần vượt, cần báo hiệu bằng còi, đèn và chỉ vượt khi có đủ các điều kiện an toàn.
6. Không đi vào làn khẩn cấp
Nhiều tài xế khi thấy ùn tắc thì di chuyển ngay sang làn khẩn cấp, nhưng điều này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm bởi có thể có những phương tiện hoặc chướng ngại vật bất ngờ xuất hiện tại đây. Vậy nên, trong mọi trường hợp, tài xế không nên cho xe di chuyển vào làn đường này để đảm bảo an toàn.
7. Hạn chế tối đa dừng đỗ xe trên cao tốc
Trừ trường hợp xe ô tô gặp phải hỏng hóc hoặc gặp sự cố bất khả kháng, ô tô không được phép dừng đỗ trên đường cao tốc. Khi bắt buộc phải dừng xe, tài xế cần đưa xe vào làn dừng khẩn cấp sát lề bên phải, đồng thời cần phải đặt vật cảnh báo phản quang để thông báo cho các tài xế phía sau biết với khoảng cách tối thiểu là 100m.
Ngoài việc thiếu an toàn, việc dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt khá nặng với mức tiền từ 10-12 triệu đồng, đồng thời có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.