Theo quy định pháp luật, người bị điếc bẩm sinh nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì vẫn được thi bằng lái xe nhưng sẽ tùy theo hạng bằng lái.
Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông:
- Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
- Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy: a) Đăng ký xe. b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này. c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này. d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Người bị điếc bẩm sinh vẫn được thi bằng lái xe. (Ảnh: X.T)
Đồng thời, tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện độ tuổi, sức khỏe đối việc cấp bằng lái xe.
Theo đó, người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe.
Như vậy, người bị điếc bẩm sinh nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì vẫn được thi bằng lái xe.
Người bị điếc bẩm sinh được thi bằng lái xe hạng nào?
Điều 3 Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe như sau:
“Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe
- Ban hành kèm theo Thông tư này “Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe” tại Phụ lục số 01.
- Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh dưới 50 cm3.
Các tiêu chuẩn về Tai-mũi-họng của người lái xe được quy định tại Mục IV Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, cụ thể:
Đối với các hạng A1, B1:
Không có quy định về tiêu chuẩn về tai mũi họng để được lái xe hạng A1, B1. Do đó, trường hợp người bị điếc bẩm sinh mà vẫn đủ các điều kiện sức khỏe khác thì vẫn được thi Giấy phép lái xe hạng A1, B1.
Đối với các hạng xe A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE:
Thính lực ở tai tốt hơn: Nói thường < 4m (kể cả sử dụng máy trợ thính); Hoặc nghe tiếng nói thầm tối thiểu (ở tai tốt hơn) £ 1,5 m (kể cả sử dụng máy trợ thính)“.
Như vậy, đối với trường hợp bị điếc bẩm sinh nhưng nếu kể cả sử dụng máy trợ thính bạn nghe được khi nói thường từ 4m (kể cả sử dụng máy trợ thính) hoặc nghe tiếng nói thầm tối thiểu £ 1,5 m (kể cả sử dụng máy trợ thính) thì vẫn sẽ đủ điều kiện sức khỏe về tai để thi bằng lái xe các hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE.
Hồ sơ học lái xe đối với người điếc bẩm sinh?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì hồ sơ để người bị điếc bẩm sinh học lái xe gồm:
– Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
– Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; Hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
– Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài.
– Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Nguồn: https://vtc.vn/nguoi-diec-bam-sinh-duoc-thi-bang-lai-xe-hang-gi-ar851416.html