Thời gian gần đây, tình trạng trâu, bò chăn thả rông tại các đô thị gây mất an toàn giao thông gây bức xúc trong dư luận, nhiều người đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người chăn dắt gia súc khi xảy ra va chạm với phương tiện giao thông.
Nếu để gia súc gây tai nạn giao thông, người chăn thả có thể bị truy cứu hình sự. Ảnh minh họa: OFFB
Tận dụng một số dự án quy hoạch treo và những dự án chưa triển khai xây dựng khu vực ven đô, không ít người đã tận dụng để chăn thả gia súc, nuôi gia súc (trâu, bò…). Việc thả nuôi thậm chí không có người theo chăn, giám sát.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội), mới đây, khi đi trên tuyến đường đê Yên Sơn (đoạn từ xã Sài Sơn đến xã Đồng Quang), xe của ông bị một con trâu húc vào, gây móp một vệt dài cánh cửa bên phải nhưng không có ai nhận là chủ của trâu để giải quyết, đành phải tự mang xe đi sửa.
Con trâu đi lạc vào khu vực nhà ga hành khách T1 sân bay Nội Bài. Ảnh: OFFB
Mới đây nhất, vào khoảng 11h30 ngày 22.1, một con trâu đi lạc về hướng nhà ga hành khách T1 sân bay Nội Bài, Hà Nội gây ngỡ ngàng cho nhiều người và đã được nhân viên an ninh hàng không nhanh chóng đuổi ra khỏi khu vực sân bay…
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Thanh Tú – Công ty Luật TNHH Việt Kim – cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hành vi thả rông trâu bò trên đường bộ bị nghiêm cấm. Nếu thả rông trâu bò và gây tai nạn giao thông, chủ sở hữu súc vật hoặc người chiếm hữu, sử dụng súc vật sẽ phải chịu chế tài xử lý tương xứng với tính chất, mức độ do hành vi vi phạm gây ra. Có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định và đồng thời phải bồi thường dân sự.
Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc sau: Phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới (Điều 34 Luật Giao thông đường bộ).
Trường hợp chủ gia súc thả gia súc, hoặc người dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
Theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác…
Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi mà người chủ gia súc sẽ phải chịu trách nhiệm (hoặc bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc đồng thời phải bồi thường khi gia súc gây thiệt hại, tai nạn chết người).