Tắt máy và rời vị trí lái khi dừng xe bị xử phạt không là câu hỏi nhiều người thắc mắc vì thường lẫn lộn giữa khái niệm về dừng xe và đỗ xe.
Hiểu rõ khái niệm dừng xe và đỗ xe
Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về dừng xe ghi rõ: Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.
Còn đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Người điều khiển phương tiện khi đỗ xe được tắ máy, rời khỏi vị trí lái.
Tại những điểm chỉ cho phép dừng xe, người điều khiển phương tiện không được tắt máy, không được rời khỏi vị trí lái.
Dừng xe tắt máy và rời vị trí lái có bị xử phạt?
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 3 Điều 18 Văn bản hợp nhất Luật Giao thông đường bộ quy định về việc dừng xe trên đường, người điều khiển phương tiện không được tắt máy, không được rời khỏi vị trí lái.
Như vậy, trường hợp tắt máy và rời vị trí lái khi dừng xe là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao thông đường bộ.
Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019 NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ban hành ngày 30/12/2019, người điều khiển phương tiện giao thông có các hành vi vi phạm về dừng xe, đỗ xe dưới đây sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng:
– Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m.
– Dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt.
– Dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.
– Rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe.
– Dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe.
– Dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.
– Dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Như vậy, hành vi tắt máy và rời vị trí lái khi dừng xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Cảnh sát Giao thông Công an TP Đà Nẵng tuần tra, đảm bảo an toàn giao thông.
Truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi tắt máy và rời vị trí lái khi dừng xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng (đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ) được quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
– Hành vi tắt máy và rời vị trí lái khi dừng xe mà gây ra một trong những hậu quả dưới đây sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Hành vi tắt máy và rời vị trí lái khi dừng xe sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, nếu gây ra các hậu quả sau: Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
– Hành vi tắt máy và rời vị trí lái khi dừng xe sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, nếu gây ra một trong những hậu quả dưới đây: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ vi phạm của hành vi mà người có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/tat-may-va-roi-vi-tri-lai-khi-dung-xe-co-bi-xu-phat-ar856799.html