Trong thời gian vừa qua, nhiều người dân thắc mắc về quy định, những trường hợp mà Cảnh sát giao thông (CSGT) được dừng xe để xử lý vi phạm hành chính. Nhiều người cho rằng, Tổ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT phải 2 người trở lên, liệu có đúng?
Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát
Mới nhất, thực hiện theo Điều 7 Thông tư 65/2020/TT-BCA, nhiệm vụ của CSGT trong tuần tra, kiểm soát được quy định cụ thể như sau:
– CSGT được giao nhiệm vụ thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– CSGT tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.
– Trong khi tuần tra, CSGT phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
– CSGT điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
– Chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ. CSGT cũng tham gia phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, cứu nạn, cứu hộ, giải quyết cháy nổ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
– Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, CSGT xử lý vi phạm thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Phát hiện những bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và giao thông đường bộ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền, kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời;
+ Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.
Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Cảnh sát giao thông đi một mình có được dừng xe?
Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020 của Bộ Công an, 4 trường hợp CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát gồm:
– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác (Văn bản này phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp);
– Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, khi phát hiện vi phạm hoặc dừng xe phát hiện vi phạm, CSGT đi một mình vẫn có quyền dừng xe để xử phạt vi phạm khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Thông tư 65/2020 của Bộ Công an không có điều khoản nào quy định về số lượng thành viên để thành lập tổ tuần tra, kiểm soát giao thông. Điều đó đồng nghĩa, tổ công tác của CSGT sẽ không quy định số lượng và 1 người cũng có thể dừng phương tiện. Do đó, người dân cần chấp hành hiệu lệnh của CSGT khi có yêu cầu dừng xe, kiểm tra, kiểm soát.