Chỉ vì muốn “tiện” và đỡ mất thời gian, nhiều tài xế khi đi rửa ô tô ngoài tiệm hoặc garage hay có thói quen gửi lại chìa khóa cho nhân viên, mà không biết rằng hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Báo Thanh Niên ngày 26/4 đưa thông tin với tiêu đề: “Gửi lại chìa khóa cho nhân viên rửa ô tô, sai lầm của nhiều tài xế”. Với nội dung như sau:
Khi mang ô tô đi rửa, nhiều tài xế hiện nay vẫn hay có thói quen gửi lại chìa khóa xe cho nhân viên của tiệm rửa ô tô khi được yêu cầu. Giải thích về thói quen này, một số người cho rằng, rửa xe vào giờ cao điểm, lượng xe đông, việc gửi lại chìa khóa sẽ “tiện” và đỡ mất thời gian hơn. Khi tới lượt, nhân viên của tiệm hay garage rửa xe sẽ tự đánh lái cho xe vào cầu nâng hoặc ra khu vực hong khô. Bản thân tài xế chỉ việc chờ trong phòng dịch vụ đến khi nhận lại xe.
Nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, rất ít tài xế lưu ý đến những rủi ro phía sau thói quen này. Trên thực tế, đã có không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra khi nhân viên tiệm rửa xe tự lái xe của khách dẫn đến va chạm hoặc tai nạn.
Có thể kể đến vụ việc xảy ra vào tháng 5.2018. Thời điểm này, một nhân viên của cơ sở rửa xe trên đường Vũ Đức Thuận, phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP.Hà Nội trong khi điều khiển xe của khách ra khu vực sấy khô đã bất cẩn đạp nhầm chân ga. Tình huống khiến xe lao sang khu vực đối diện tông vào nhóm người, khiến 5 người bị thương khá nặng.
Nghiêm trọng hơn, tháng 7.2020, một nhân viên rửa xe khác tại TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) trong lúc đưa xe lên cầu nâng, do không làm chủ được chân ga khi lùi xe đã gây tai nạn với đồng nghiệp khiến người này tử vong. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc tương tự.
Có thể thấy, việc gửi lại chìa khóa ô tô cho nhân viên rửa xe tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi không ít người dù không có Giấy phép lái xe hoặc kỹ năng lái còn yếu, chưa quen xe nhưng vẫn cố lái xe ra vào bãi, lên cầu nâng. Trong khi, các tiệm rửa xe thường nằm ở vị trí mặt tiền đường hoặc hẻm lớn, rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông, thậm chí tai nạn liên hoàn.
Để tránh cảnh thiệt hại tài sản mà còn bị liên đới về pháp lý, tốt nhất tài xế nên tự đưa xe vào cầu nâng và giữ lại chìa khóa khi đi rửa xe bên ngoài
Dĩ nhiên, khi tai nạn hoặc va chạm xảy ra, trách nhiệm trước tiên phải thuộc về người lái (nhân viên rửa xe) và các chủ tiệm, cửa hàng rửa xe (người quản lý). Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chủ xe cũng sẽ gặp không ít rắc rối liên đới về pháp luật. Đó là chưa kể thiệt hại lớn về tài sản.
Do đó, khi mang ô tô đi rửa ở ngoài, tốt nhất tài xế hoặc chủ xe nên tự lái xe lên cầu nâng và giữ lại chìa khóa xe. Tránh những vụ việc không đáng có.
Ngoài ra, một lưu ý khác khi đi rửa xe ngoài tiệm hoặc garage là tuyệt đối không để tiền hoặc các tài sản có giá trị lớn trên xe (như điện thoại, máy tính, đồ trang sức…). Bởi không ít trường hợp, vì chủ quan, tài xế phải trả giá đắt khi bị nhân viên rửa xe “cuỗm” mất tài sản.
Tiếp đến, báo Dân Trí ngày cũng có bài đăng liên quan với thông tin: “Đừng dại giao chìa khóa ô tô cho nhân viên bảo vệ, thợ rửa xe”. Nội dung được đưa như sau:
Nhân viên các hàng rửa xe, bảo vệ tại một số điểm trông giữ thường yêu cầu chủ xe ô tô giao lại chìa khóa để tiện cho công việc của họ nhưng hiểm họa thì khôn lường.
Khi đem ô tô đi rửa, phần lớn nhân viên đều yêu cầu chủ xe để lại chìa khóa để đưa lên cầu hay đánh ra đánh vào. Gửi xe tại một số khách sạn, bến bãi và nhất là những nơi đông đúc, bạn cũng có thể phải giao chìa khóa cho nhân viên bảo vệ với lý do xếp xe.
Sở hữu ô tô được trên 5 năm, những tình huống trên tôi đã gặp không biết bao lần. Nhưng cho đến nay, tôi chưa từng giao lại chìa khóa xe của mình cho bất kỳ nhân viên bảo vệ hay thợ rửa xe nào… Với tôi, ô tô không chỉ là tài sản lớn mà còn phức tạp khi sử dụng nên không thể tùy tiện giao cho người khác.
Tôi đã gặp nhiều quán rửa xe, để cậu bé chưa đủ tuổi đánh chiếc ô tô của khách ra vào. Dù quãng đường đi lại rất ngắn nhưng ai đảm bảo cậu bé này có kỹ năng và quan trọng hơn là chắc chắn không đủ tuổi thì chưa thể được cấp giấy phép lái xe. Bởi thế, tôi yêu cầu tự đánh xe lên cầu và ngồi chờ tại chỗ, nhân viên cần đưa xe ra chỗ nào mình sẽ lái.
Một lần khác, tôi có hẹn ở phố Bà Triệu (Hà Nội) và phải gửi xe. Nhân viên bảo vệ nói giao chìa khóa ô tô để còn sắp xếp xe vì chỗ này quá chật. Nghe thấy vậy, tôi quyết định đi vào một trung tâm thương mại cách điểm hẹn hơn 800 mét để gửi. Chấp nhận đi bộ xa một chút nhưng đổi lại là sự an tâm, bao gồm cả tài sản để trên xe.
Sử dụng xe hơi làm phương tiện đi lại thường xuyên nhưng mỗi lần có việc đi trên một chiếc xe lạ là tôi cũng gặp ít nhiều bỡ ngỡ. Có xe dạng cần số cơ, xe lại cần số điện tử, chiếc thì dùng nút bấm hay đặt trên tay lái… Lên ô tô cũng phải chỉnh ghế, chỉnh gương cho vừa với mình rồi mới lái được… Thử hỏi nhân viên bảo vệ, người trông xe cứ lên là lái thì sao mà an toàn được?
Đó là lý do mà rất nhiều vụ tai nạn thương tâm, thiệt hại nặng nề vì giao xe cho bảo vệ hay nhân viên rửa xe. Mới gần đây, xe Mercedes Maybach tông hàng loạt xe máy trong hầm chung cư 6th Element ở Hà Nội. Công an quận Tây Hồ cho biết, chủ ô tô Mercedes S560 Maybach giao xe cho một nhân viên bảo vệ lái vào vị trí đỗ thì xảy ra sự việc.
Không phải cứ “ai lái, người đó chịu” mà trong những tình huống này, chủ xe sẽ bị liên đới, phạm Luật Giao thông đường bộ, thậm chí Luật hình sự nếu giao chìa khóa cho nhân viên rửa xe, trông xe mà người này chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe. Ngoài mặt pháp luật, thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ bởi những người này thường trong vai “nghèo khổ, hoàn cảnh khó khăn” thì gần như không thể kiếm đâu ra vài trăm triệu đồng tới vài tỷ đồng để đền.
Bởi vậy, theo tôi chớ dại mà giao khóa ô tô cho nhân viên bảo vệ, thợ rửa xe. Tiền mình mình giữ, xe mình mình không rời. Đừng để khi xảy ra những điều đáng tiếc lúc ấy lại nói câu “giá như” thì mọi thứ cũng không thể quay lại được.
Tổng hợp