Trong đợt cao điểm phòng chống tụ tập, gây rối trật tự công cộng, từ sau 21 giờ hàng đêm, CSGT công an TP.HCM có quyền yêu cầu tất cả người tham gia giao thông dừng lại để kiểm tra giấy tờ.
Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết qua công tác điều tra nắm tình hình, vào dịp nghỉ hè năm nay tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng có chiều hướng diễn biến phức tạp nên PC67 mở đợt cao điểm phòng chống tình trạng trên.
Theo đó, từ 21 giờ hàng đêm, lực lượng CSGT sẽ kiểm tra hành chính tất cả người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP. Trường hợp người được kiểm tra không vi phạm lỗi nào và đủ 4 loại giấy tờ sau thì sẽ được CSGT mời đi tiếp: Chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, đăng ký xe và bảo hiểm xe.
Trong số 20.065 trường hợp vi phạm luật giao thông bị camera của CSGT TP.HCM ghi hình và gửi thông báo thì chỉ có 7.124 trường hợp đến đóng phạt, còn lại đến 13.000 trường hợp chưa chịu đóng phạt.
Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn phối hợp cùng lực lượng CSCĐ kiểm tra hành chính người điều khiển phương tiện trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.
Do thấy anh N. có biểu hiện của người vừa sử dụng rượu, bia nên CSGT đã yêu cầu anh xuất trình giấy tờ và kiểm tra nồng độ cồn bằng cách thổi hơi vào máy đo nồng độ cồn.
Kết quả đo nồng độ cồn của anh N. là 0,53 mg/1 lít khí thở. Với mức này, anh N. sẽ bị tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 4 tháng và bị phạt 3,5 triệu đồng. Anh N. cho biết: “Tôi biết rõ luật và biết uống rượu, bia mà vẫn chạy xe là vi phạm nhưng công việc của tôi thì phải gặp gỡ khách hàng nên phải chấp nhận”.
Anh X. đang chở bạn gái lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng hướng từ cầu Bình Lợi về công viên Gia Định cũng được CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra hành chính. Trong chuyên đề này, CSGT sẽ kiểm tra 4 loại giấy tờ gồm: CMND, Giấy phép lái xe, đăng ký xe và Bảo hiểm xe. Đồng thời, CSGT phối hợp CSCĐ kiểm tra cốp xe xem người chạy xe có mang theo công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, gậy, dao,… hay không. Anh X. không có bảo hiểm xe nên bị phạt 100.000 đồng.
Một số trường hợp khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn do người nồng nặc mùi bia nhưng vẫn cố “cù nhây” với CSGT chỉ ngậm ống mà không thổi. Sau đó, CSGT phải thổi mẫu nhiều lần, người vi phạm mới chấp hành
Kết quả thổi nồng độ cồn của thanh niên mặc áo xanh là 0,64mg/1lít khí thở. Theo Nghị định 46, thanh niên này bị phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và tước GPLX 4 tháng
Anh T. bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ và cốp xe. Anh T. có đầy đủ giấy tờ và cốp xe không mang theo công cụ hỗ trợ nên được CSGT mời tiếp tục tham gia giao thông
Hai thanh niên chở nhau chạy xe này vào làn đường ô tô trên đường Phạm Văn Đồng nên được CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ để lập biên bản. Lỗi vi phạm này bị phạt 350.000 đồng, tạm giữ GPLX 3 tháng. Tuy nhiên vì hai người không mang theo giấy tờ xe nên CSGT tạm giữ xe và hẹn trong giờ làm việc mang giấy tờ đến để lập biên bản và lấy xe về
Trường hợp khác, anh M. sau khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra đã không chấp hành và liên tục điện thoại “xin sự trợ giúp từ người thân”. Lát sau có một người xưng là người ngồi sau xe của anh M. đến nói chuyện cùng CSGT và yêu cầu xem quy định kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, CSGT yêu cầu người này đứng sang một bên để CSGT làm việc với anh M.
Sau một hồi, anh M. cũng chịu thổi nồng độ cồn. Kết quả nồng độ cồn trong hơi thở của anh M. là 0,53 mg/1 lit khí thở. Anh M. lại tiếp tục gọi điện thoại cho người thân, không ký biên bản rồi bỏ đi. Theo CSGT, dù không ký biên bản bỏ đi nhưng anh M. vẫn bị tạm giữ xe, tước GPLX và lập biên bản theo quy định.
Thiếu tá Trương Tiến Sĩ, Phó Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn cho biết trong khoảng 1 giờ, tổ công tác đã kiểm tra ngẫu nhiên 21 người điều khiển phương tiện thì có 12 người vi phạm, chủ yếu là lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Cũng theo thiếu tá Sĩ, trong chuyên đề phòng chống tụ tập, gây rối trật tự công cộng, CSGT sẽ chú ý đến các trường hợp thanh thiếu niên nhuộm tóc, độ xe, nẹt pô, lạng lách…