Theo chuyên gia, việc tưới nước thẳng vào xe đang nóng không gây hại, nhưng nên tránh tình trạng này liên tục và kéo dài.
Báo VnExpress ngày 10/3/2023 đưa thông tin với tiêu đề: “Tưới nước vào xe đang nóng có ảnh hưởng gì?”. Với nội dung như sau:
Việc trường Đại học Công nghiệp TP HCM tưới nước vào xe máy lúc 14h, giữa trời nắng nóng để giảm nhiệt cho xe trước khi sinh viên ra về, nhận nhiều tranh cãi của độc giả về tính hiệu quả. Liệu việc tưới nước vào xe đang rất nóng có ảnh hưởng đến chất lượng vật liệu hay không?
Ông Tuấn Anh, chuyên gia kỹ thuật một hãng xe Nhật tại Việt Nam cho biết, việc làm này ảnh hưởng tới các chi tiết bằng nhựa, cao su trên xe, trong khi với kim loại không gây hại gì.
Cụ thể, lớp vỏ của xe máy phổ thông dùng nhiều nhựa, cao su ở bên ngoài như yên, ốp, yếm, tay nắm, mặt đồng hồ, dây dẫn điện, lốp…. Đây là những chi tiết có độ lão hóa nhanh và kém bền hơn kim loại, nên việc thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến độ bền suy giảm, gây ra hiện tượng lão hóa như nứt, giòn, bạc màu. Từ đó khiến lớp sơn trên bề mặt cũng ảnh hưởng theo.
Độ bền của các chi tiết nhựa, cao su sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật gia công, chất lượng vật liệu, tần suất của việc thay đổi nhiệt độ đột ngột trên bề mặt, và việc phơi nắng kéo dài trong bao lâu.
Ngược lại, các chi tiết bằng kim loại như khung xe, lốc máy, bình xăng (trên xe phân khối lớn) hầu như không bị ảnh hưởng bởi việc dùng nước để làm mát xe khi trời nắng.
Bên cạnh xe máy, nhiều người cũng có thói quen tưới nước hoặc rửa ôtô ngay khi đỗ lâu dưới nắng để hạ nhiệt. Theo ông Tuấn Anh, với ô tô việc này không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng, vì vấn đề này đã nằm trong tính toán của các nhà sản xuất xe.
Ngoài ốp cản trước, sau, vỏ gương thì phần thân xe còn lại chủ yếu là kim loại. Kỹ thuật sơn và xử lý bề mặt hiện nay của các nhà sản xuất ôtô đã rất phát triển. Phần sơn bên ngoài xe bao gồm nhiều lớp, bao gồm cả lớp sơn bảo vệ bề mặt xe dưới ánh nắng mặt trời và các yếu tố gây hại khác. Chính vì thế việc tưới nước thẳng lên bề mặt sơn khi thân xe đang nóng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của thân xe.
Ngoài ra, nhà sản xuất cũng đã tính đến những trường hợp bề mặt vỏ xe thay đổi nhiệt độ đột ngột, ví dụ xe hoạt động ngoài trời (mui xe nóng vì động cơ, thân xe nóng vì ánh nắng) và gặp mưa đột ngột. Do đó, bề mặt và chất liệu của thân xe có độ bền nhất định để có thể chịu được những tình huống như trên.
“Các hãng khi lưu xe ở kho bãi có thể để ngoài trời, nắng gắt sau đó đột ngột mưa, nhưng chất lượng sơn cũng như thân xe hoàn toàn không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Tuấn Anh chia sẻ. Tuy vậy, với người dùng không có chỗ đỗ xe có mái che, tức toàn bộ thời gian sử dụng một vài năm đều ngoài trời, thì lớp sơn không còn giữ được độ bóng như lúc mới xuất xưởng, nhưng có thể giải quyết bằng cách đánh bóng.
Ông Tuấn Anh cũng lưu ý phần nội thất bên trong xe bao gồm nhiều chi tiết nhựa, vốn dễ bị lão hóa bởi ánh nắng mặt trời và tia UV nhanh hơn so với kim loại. Để hạn chế việc này, nên cố gắng tìm bóng râm khi đỗ xe trong thời gian dài. Việc sử dụng các dụng cụ che chắn, phim cách nhiệt, dung dịch bảo vệ tia UV chuyên dụng cho nội thất… có thể giúp hạn chế phần nào tác hại của việc đỗ xe dưới trời nắng trong thời gian dài.
Tiếp đến, báo Tuổi trẻ ngày 24/05/2023 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Chuyên gia: Rửa xe khi trời nắng nóng là sai lầm. Nội dung được đưa như sau:
Một chuyên gia về rửa xe đã tiết lộ mẹo để có một chiếc ô tô sáng bóng, và điều tuyệt vời nhất là không hề tốn kém.
Khi Mặt trời bắt đầu ló dạng, nhiều người bắt đầu đổ xô đi tắm nắng và làm nhiều việc khác, chẳng hạn như rửa xe.
Nhưng The Sun dẫn lời chuyên gia Chris Fix của Anh cảnh báo: “Sai lầm mà nhiều người mắc phải là rửa xe dưới ánh nắng trực tiếp và khi trời nóng. Tôi thường đợi đến khi Mặt trời sắp lặn mới đánh bóng chiếc xe để có thể dễ dàng nhìn thấy bụi bẩn ở những vị trí nào”.
“Lý do không nên rửa xe dưới ánh nắng mặt trời là vì vỏ xe sẽ nóng đến mức nước rửa xe sẽ nhanh chóng bay hơi, để lại vệt nước trên lớp sơn”, Fix giải thích.
Anh cũng nhấn mạnh sử dụng nhiều hóa chất tẩy rửa cũng mất tác dụng khi sử dụng trên các bề mặt nóng ran.
Do đó, anh khuyên nên đỗ xe trong bóng râm, khi nào nhiệt độ xe xuống thấp mới bắt đầu rửa.
“Những lúc mát mẻ và Mặt trời không quá gay gắt là thời điểm rửa xe hoàn hảo nhất. Rửa xe vào lúc này sẽ giúp chiếc xe mát rượi và hạn chế bốc hơi nước”, anh nói.
Ngoài ra, Fix cũng khuyến khích các tài xế tránh sử dụng vòi xịt quá mạnh bởi có thể làm trầy xước lớp sơn, cũng như khiến bụi bẩn dễ dàng để lại dấu vết trên thân xe hơn.
Một sai lầm phổ biến khác mà chuyên gia rửa xe này chỉ ra là mọi người thường làm sạch từ nóc xuống đến gầm. Nhưng thực tế cần rửa bánh xe trước, và nên sử dụng khăn sợi nhỏ. Nếu rửa bánh sau khi rửa thân, áp lực mạnh từ vòi xịt có thể khiến bụi từ bánh bắn lên phần thân.
Anh cũng lưu ý cần sử dụng hai chiếc khăn để lau vành và thân riêng. Bởi bụi ở bánh xe thường “để lại sạn và có tính axit”.
Tổng hợp