Biển cấm dừng đỗ xe có hiệu lực bao nhiêu mét? Lái xe chấp hành thế bào cho đúng để khỏi bịu tuýt còi?
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục B được ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về biển cấm dừng đỗ xe như sau:
a) Để báo nơi cấm dừng xe và đỗ xe, đặt biển số P.130 “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới dừng và đỗ ở phía đường có đặt biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Đối với các loại xe ô tô buýt chạy theo hành trình quy định được hướng dẫn vị trí dừng thích hợp.
b) Hiệu lực cấm của biển bắt đầu từ vị trí đặt biển đến nơi đường giao nhau hoặc đến vị trí quy định đỗ xe, dừng xe (hoặc đến vị trí đặt biển số P.135 “Hết tất cả các lệnh cấm” nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng). Nếu cần thể hiện đặc biệt thì vị trí bắt đầu cấm phải dùng biển số S.503f và vị trí kết thúc dùng biển số S.503d “Hướng tác dụng của biển” đặt bên dưới biển chính.
Biển bên phải – P.130 “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
c) Trong trường hợp chỉ cấm dừng, đỗ xe vào thời gian nhất định thì dùng biển số S.508 (a, b).
d) Trong phạm vi có hiệu lực của biển, nếu có chỗ mở dải phân cách cho phép xe quay đầu thì cần đặt thêm biển số P.130 nhắc lại.
Qua quy định trên, luật không quy định khoảng cách cụ thể của biển cấm dừng đỗ xe. Tuy nhiên, khoảng cách hiệu lực cấm của biển được xác định theo một trong 3 trường hợp sau:
– Hiệu lực cấm tính từ vị trí đặt biển cấm dừng đỗ xe đến nơi đường giao nhau.
– Hiệu lực cấm tính từ vị trí đặt biển cấm dừng đỗ xe đến vị trí quy định đỗ xe, dừng xe.
– Hiệu lực cấm tính từ vị trí đặt biển cấm dừng đỗ xe đến vị trí đặt biển số P.135 “Hết tất cả các lệnh cấm” nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng.
Ngoài biển cấm dừng, đỗ xe thì người tham gia giao thông cũng cần nắm về vạch cấm dừng đỗ xe để tránh bị phạt.
Theo quy định tại Phụ lục G được ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, vạch cấm dừng đỗ xe (vạch 6.2) được sử dụng để báo hiệu không được phép dừng xe, đỗ xe bên đường.
Mặt khác, vạch cấm dừng đỗ xe có thể sử dụng phối hợp với ký hiệu chữ “cấm dừng, đỗ xe” trên mặt đường và biển báo “Cấm dừng, đỗ xe”. Ngoài ra căn cứ theo nhu cầu đặt thêm biển báo phụ ghi rõ thời gian cấm dừng đỗ xe và phạm vi, đối tượng cấm dừng đỗ xe.
Vạch 6.2 cấm dừng xe và đỗ xe.
Vạch cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên đường là vạch liền nét màu vàng được sơn trên bó vỉa sát mép mặt đường phía cấm dừng xe hoặc đỗ xe hoặc sơn trên mặt đường phía cấm dừng xe hoặc đỗ xe, cách mép mặt đường 30 cm khi không có bó vỉa sát mép mặt đường.
Khi vạch cấm dừng đỗ xe được bố trí trên bó vỉa, bề rộng phần sơn vàng được lấy bằng bề rộng viên đá vỉa hoặc tối thiểu 15 cm; ngoài ra bề rộng phần sơn vàng được kéo dài trên toàn bộ mặt vát hoặc mặt đứng của viên đá vỉa phía tiếp giáp với mặt đường. Trường hợp bố trí trên mặt đường, bề rộng vạch là 15 cm.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839E63E-hd-bien-cam-dung-do-xe-co-hieu-luc-bao-nhieu-met.html