Chọn xe gầm cao, điều chỉnh ghế ngồi thấp, cố gắng đi làn giữa trên cao tốc là những kinh nghiệm quý được chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng đúc kết sau nhiều chuyến lái xe xuyên Việt.
Những chuyến đi xuyên Việt hay hành trình chinh phục miền đất xa xôi với cung đường dài cả cả ngàn cây số bằng xe cá nhân luôn đem đến trải nghiệm thú vị, nhưng cũng là thử thách đối với bất cứ tay lái nào.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Mạnh Thắng – Tổng giám đốc Công ty TNHH WhatCarVn, đồng thời là admin cộng đồng Oto+ cho rằng, để lái xe đường dài với thời gian cả chục giờ đồng hồ một cách an toàn, khoẻ mạnh, “đi đến nơi, về đến chốn” cần rất nhiều yếu tố. Ngoài việc chuẩn bị đảm bảo về kỹ thuật phương tiện, tìm hiểu cung đường, tài xế còn phải có sức khoẻ tốt, luôn giữ được sự tập trung và tuân thủ tuyệt đối Luật Giao thông đường bộ.
Với đặc thù công việc, anh Nguyễn Mạnh Thắng thường xuyên có những chuyến lái xe đường dài cả nghìn km. Ảnh NVCC
Sau những chuyến đi của mình, anh Thắng cũng đúc kết được một số kinh nghiệm giúp việc lái xe đường dài trở nền nhàn nhã và an toàn hơn.
Nên chọn một chiếc xe gầm cao
Theo anh Thắng, với những hành trình vài trăm, thậm chí vài nghìn km, các dòng xe gầm cao như SUV 5-7 chỗ ngồi hay bán tải đời mới là sự lựa chọn hàng đầu bởi chiếc xe giúp tài xế có góc nhìn thông thoáng, đồng thời được trang bị nhiều tính năng an toàn hỗ trợ người lái hữu ích trên đường.
Những chiếc xe to lớn này có thể chứa được nhiều đồ đạc thiết yếu cho chuyến đi nhưng vẫn có không gian đủ rộng để các thành viên ngồi một cách thoải mái nhất, tránh bức bí dẫn đến say xe.
Còn nếu lựa chọn một chiếc xe điện cho chuyến đi của mình, tài xế cần chủ động tính toán lộ trình để có thể vừa nghỉ ngơi vừa tranh thủ sạc pin cho phù hợp. Không nhất thiết khi xe báo gần hết điện mới “tá hoả” tìm đến trạm sạc mà có thể sạc ngay từ sớm.
Điều chỉnh vị trí ngồi tối ưu
Vị trí ngồi thoải mái là điều cực kỳ quan trọng trong mỗi chuyến đi dài. Đối với tài xế, anh Thắng cho rằng nên điều chỉnh vị trí ngồi tối ưu và phù hợp với cơ địa từng người. Cụ thể, theo kinh nghiệm của người đã có nhiều chuyến lái xe xuyên Việt này, khi lái xe đường dài nên điều chỉnh ghế ngồi thấp và ngả hơn hơn bình thường một chút.
Điều chỉnh ghế ngồi thấp giúp lái xe có tầm nhìn xa và đỡ mỏi mắt hơn. Ảnh: Hoàng Hiệp
“Bình thường chúng ta nghĩ nên ngồi cao, đầu gần vời trần xe thì góc nhìn sẽ bao quát nhất. Nhưng điều này là không hữu ích khi đi đường dài bởi khi ngồi quá cao chúng ta nhìn “chúi” nhiều xuống phần đường trước mũi xe, gây mỏi mắt. Còn khi ngồi thấp, tầm nhìn của tài xế sẽ hướng ra xa, mắt không bị mỏi, đồng thời có nhiều thời gian để phản ứng hơn khi gặp những tình huống bất ngờ phía trước”, anh Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, có thể sử dụng 1 tay để lái xe ở những đoạn đường không quá phức tạp thay vì cầm “khư khư” vô lăng bằng cả hai tay, dễ gây mỏi.
Đi làn giữa trên cao tốc
Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, hiện nay hệ thống đường cao tốc của Việt Nam đã khá phát triển. Ở những chuyến đi xuyên Việt, hầu hết thời gian là lái xe trên những tuyến cao tốc hoặc đường có 2-3 làn xe mỗi chiều trở lên. Để đảm bảo an toàn, vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên nên ưu tiên lựa chọn làn giữa (với đường có 3 làn xe mỗi chiều trở lên) để di chuyển.
Lý do là khi lái xe ở làn giữa, chúng ta có tầm nhìn rộng hơn, có thể quan sát tốt dòng xe lưu thông ở làn đối diện cũng như làn xe cùng chiều, lại không bị khuất tầm nhìn bởi cây cối ở những đoạn đường cong về bên trái.
“Trường hợp làn đường bên kia có xe mất lái lao sang hoặc vật thể “bay” không xác định (khúc gỗ, đá, hàng hoá, nước bắn,…) thì làn đường số 1 sát với phần làn đường đối diện nhất sẽ là nơi “dính đòn” sớm nhất. Còn các làn bên ngoài ít chịu ảnh hưởng bởi những rủi ro này”, anh Thắng nói.
Nếu lái xe đường dài, nên ưu tiên chọn làn giữa (số 2) nếu tuyến đường đó có từ 3 làn trở lên mỗi chiều. Ảnh minh hoạ trên cao tốc Hà Nội – Ninh Bình: Hoàng Hà
Ngoài ra, khi có chướng ngại vật trước mặt (xe cùng chiều gặp sự cố, phanh gấp hoặc có đất đá văng ra đường), nếu bám làn đường số 1, chúng ta chỉ có một phương án tránh duy nhất là đánh lái sang làn số 2. Còn khi đi ở làn giữa, chúng ta có đến hai phương án để tránh chướng ngại vật.
“Đối với những đường cao tốc có dải phân cách bằng bê tông cứng và cao (như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) thì ở làn số 1 sẽ có những cơn gió quẩn rất mạnh, có thể làm các xe nhỏ mất lái. Đi gần dải phân cách cũng là một trong những lý do khiến người lái bị hoa mắt, sinh ảo giác,… gây mệt mỏi trong thời gian dài”, anh Thắng chia sẻ thêm.
Bên cạnh những kinh nghiệm nói trên, anh Thắng cho rằng khi đi đường dài, đặc biệt là vào ban đêm, tài xế nên “lượng sức mình”. Không nên đi liên tục quá 200km hoặc 3 giờ đồng hồ mà cần để cả người và xe nghỉ ngơi.