Việc đào tạo, sát hạch lái ô tô sau khi áp dụng những quy định mới đã ngày càng thắt chặt. Chi phí theo đó cũng gia tăng so với trước đây. Dù đã có chuyển biến về chất lượng nhưng cũng còn lắm băn khoăn.
Ý kiến của học viên, trung tâm đào tạo lái xe, chuyên gia giao thông và Bộ GTVT ra sao về học và thi bằng lái xe ô tô làm sao sát thực tế hơn?
Phần học cabin điện tử không hiệu quả, không phù hợp với thực tế nên không giúp nhiều cho học viên trong phát triển kỹ năng lái xe. Cảm giác khi quay lái, đạp thắng trên xe ô tô rất khác với cabin điện tử.
Chưa kể việc ngồi liền ba tiếng đồng hồ trong cabin điện tử còn khiến học viên rất mệt, thậm chí hoa mắt chóng mặt. Học cabin điện tử cực khổ như vậy nhưng không phù hợp với lái xe trên đường, và phần học này cũng không thi tốt nghiệp hay sát hạch lái xe thì không nên học làm gì.
Thay vì dành thời gian học trên cabin ảo, hãy tăng thời gian thực hành lái xe trên đường và trong đêm tối thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Học cabin điện tử theo kiểu đối phó
Cabin ảo được thiết kế gồm ba màn hình nối nhau. Phần mềm xử lý chưa theo kịp thao tác của người lái, dẫn đến lệch pha trong xử lý tình huống khi lái xe.
Ví dụ như thao tác đánh lái trên ô tô thật thì xe quay ngay nhưng trên thiết bị phải đợi vài giây thì xe ô tô trên màn hình mô phỏng mới quay. Học viên thao tác đúng nhưng xe không quay ngay làm học viên mất phương hướng.
Thực tế học cabin điện tử hiện nay còn theo kiểu đối phó. Học viên thấy chỉ cần đến ngồi đủ ba tiếng đồng hồ để học cabin điện tử cho có chứ không phải thi nên học lơ là, đối phó.
Dữ liệu DAT “sáng nắng chiều mưa”
Không chỉ riêng cabin điện tử có bất cập, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành (DAT) cũng “sáng nắng, chiều mưa” dẫn tới học viên vừa tốn tiền vừa mất thời gian. Tôi học bằng lái B2, phải chạy DAT cho đủ chỉ tiêu 810km chạy đường trường thì mới đủ điều kiện được thi.
Để đạt đủ số km quy định, tôi xin nghỉ làm một ngày để đi thực hành. Lái hết cả ngày thì mới tá hỏa phát hiện ra DAT không lưu dữ liệu, không nhận kết quả học viên đã thực hành xong…
Thầy giáo lý giải có thể do đường truyền có vấn đề hoặc lỗi hệ thống gì đó nhưng không thể khôi phục dữ liệu được. Dù với lý do gì, tôi vẫn phải chạy lại từ đầu, vừa mất công sức, thời gian, tiền bạc của học viên và người dạy.
Theo tôi, sử dụng thiết bị DAT để giám sát là cần thiết vì giám sát được thời gian, quãng đường học viên phải học, quản lý ngăn ngừa gian lận, sai phạm trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Nhưng để phát huy hiệu quả, phải sớm nâng cấp hệ thống phần mềm, nâng cấp đường truyền có đủ khả năng cập nhật dữ liệu liên tục.
Các trung tâm đào tạo khác nhau ở các tỉnh khác nhau cũng nên tính toán chỉ sử dụng một phần mềm chung, tránh trường hợp không khớp gây tê liệt dữ liệu. Khi có nguồn dữ liệu ổn định thì mới đảm bảo quyền lợi cho người dân, học viên được.
Học lái xe, quan trọng nhất là thực tiễn
Nhiều tài xế, doanh nghiệp vận tải than thở về việc học lái ô tô bây giờ khó khăn với nhiều quy định mới về thi mô phỏng, chạy DAT hay cabin điện tử.
Phần lớn khó khăn xuất phát từ bất cập tồn tại khi áp dụng các quy định mới nói trên và rõ ràng tỉ lệ học viên bị “rớt” cũng cao hơn. Khi áp dụng các chương trình như cabin điện tử, DAT thì bắt buộc chủ cơ sở đào tạo phải tăng đầu tư và học phí tăng.
Ngoài ra, dưới góc độ doanh nghiệp vận tải, hầu hết doanh nghiệp cũng cho rằng lái xe quan trọng nhất là thực tiễn, nội dung học mô phỏng chỉ mang tính tham khảo. Chính vì vậy, họ góp ý chỉ nên đưa phần cabin điện tử vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng, không bắt buộc.
* Ông Lương Duyên Thống (trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Cục Đường bộ Việt Nam):
Sẽ đánh giá việc thực hiện để có khuyến cáo phù hợp
Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông giúp người học nhận biết, phán đoán tình huống nguy hiểm, mất an toàn có thể xảy ra. Các tình huống này được Cục Đường bộ phối hợp Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông, các cơ quan của Bộ GTVT, các chuyên gia giao thông xây dựng dựa trên các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng tại Việt Nam.
Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phần mềm mô phỏng dùng cho học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Anh, Úc, Nhật, Singapore… Nội dung các tình huống được minh họa trực quan thông qua các đoạn phim video, đồ họa 3D. Phần mềm được xây dựng và cài đặt trên hệ thống máy tính, điện thoại di động để người dân nghiên cứu, ôn luyện.
Cục Đường bộ Việt Nam đã có điều chỉnh, cập nhật phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông (cập nhật lần 2 từ ngày 15-2-2024), chính thức thực hiện trên toàn quốc từ ngày 15-2-2024. Hiện nay, tỉ lệ đạt yêu cầu nội dung sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông trên 80%.
Có nhiều tình huống giao thông mà học viên khó có cơ hội tiếp cận (học viên ở thành phố ít có cơ hội thực hành lái xe tại các khu vực đèo núi, học viên ở miền núi khó có cơ hội thực hành lái xe trong nội đô…).
Từ thực tiễn đó, Bộ GTVT bổ sung quy định về nội dung đào tạo trên cabin điện tử. Học viên sẽ được trang bị kiến thức về các tình huống giao thông phức tạp và kỹ năng điều khiển phương tiện để có thể tham gia giao thông an toàn.
Theo quy định, thời gian thực hành lái xe trên cabin học lái xe ô tô đối với mỗi học viên là ba giờ đối với hạng B1, B2, C và một giờ đối với đào tạo nâng hạng. Một số cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo cho học viên liên tục trong ba giờ trước khi chuyển sang nội dung đào tạo khác khiến học viên không có thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến các trường hợp cảm thấy chóng mặt, đau đầu.
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức đánh giá quá trình triển khai thực hiện nội dung đào tạo trên cabin học lái xe. Từ đó đưa ra các khuyến cáo để các sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe tổ chức thực hiện đảm bảo khoa học và khai thác tốt thiết bị, tăng kiến thức, kỹ năng cho học viên.