Không chỉ đơn thuần là lớp vỏ bọc mang đến vẻ đẹp và phong cách, nước sơn ô tô còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì giá trị của xe ô tô. Tuy nhiên, có nhiều thói quen sử dụng của chủ xe dễ làm hư hại nước sơn ô tô.
Lau xe ngay khi đi dưới mưa
Mưa rào nhanh rồi tạnh là kiểu thời tiết phổ biến tại nhiều tỉnh, nhất là ở khu vực phía Nam. Điều này khiến không ít tài xế khó chịu vì sau mỗi cơn mưa, bụi bẩn bám đầy trên thân và kính xe. Vì vậy, nhiều người dùng khăn lau sơ qua cho xe sạch sẽ.
Thế nhưng, thói quen này dễ làm hư hại bề mặt sơn xe. Bởi những giọt nước mưa đọng lại trên xe thường mang theo bụi, bùn, cát…Nếu không xịt rửa mà lau bằng khăn khô dễ làm xước bề mặt sơn. Những vết xước này thường rất nhỏ, dần dần sẽ hiện rõ trên mặt sơn.
Đỗ xe dưới trời nắng gắt
Ngoài lau xe, nhiều tài xế thường đỗ xe dưới trời nắng ngay sau khi đi qua cơn mưa. Về lâu dài, thói quen này gây hư hại nước sơn ô tô do nước mưa hơi ẩm thường cuốn theo bụi mịn trong không khí.
Hơn nữa, trong nước mưa có thành phần axit, dưới tác động của môi trường và nhiệt độ sẽ gây hại cho bề mặt sơn. Sau cơn mưa, bụi, đất cũng bám chặt hơn vào bề mặt xe nếu gặp thời tiết nắng nóng.
Dụng cụ lau xe không phù hợp
Dụng cụ lau xe không phù hợp có thể làm xước sơn. (Ảnh minh họa)
Khi cọ rửa ô tô tại nhà, nếu dùng dụng cụ lau xe không phù hợp sẽ vô tình làm xước lớp sơn xe. Chủ xe nên dùng vải sạch sợi nhỏ, không dùng áo hay miếng giẻ cũ lau xe.
Lơ là rửa xe
Vào mùa mưa, để khỏi “tốn công, mất sức”, nhiều chủ xe thường lơ là việc rửa xe, thậm chí không cần rửa xe. Thế nhưng, nếu lâu ngày không xịt rửa, bụi bẩn sẽ ăn sâu vào bề mặt sơn, ảnh hưởng đến chất lượng và màu sơn của xe. Do đó, nên rửa xe ít nhất 2 lần trong 1 tháng ngay cả khi đang sử dụng ô tô trong mùa mưa.
Bỏ qua vết gỉ sét nhỏ trên thân xe
Trong quá trình sử dụng, sẽ khó tránh khỏi vết trầy xước nhỏ trên thân xe. Nếu không được bảo dưỡng, chăm sóc…các vết xước này có thể bị hoen gỉ và lan rộng theo thời gian, làm bong tróc nước sơn. Vì vậy, khi phát hiện các vết xước nhỏ trên, không nên chủ quan.