Mới đây, một bài toán 8 – 3 + 3 khiến mạng xã hội xôn xao tranh cãi vì nhiều người cho rằng phép toán có đến 2 kết quả là 2 và 8.
Toán học là một trong những môn cơ bản nhất của bậc giáo dục tiểu học. Ngoài những môn liên quan đến Văn học – Văn hóa, Toán học sẽ theo các học sinh từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành thi vào đại học và cả ra trường có việc làm. Chính vì vậy việc dạy môn Toán cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu.
Mới đây, một phụ huynh đã chụp lại bài toán 8 – 3 + 3 lên mạng để hỏi đáp án của mọi người. Theo vị phụ huynh này cho biết, bài toán trên cho ra 2 kết quả là 2 và 8. Tuy nhiên, người này nói rằng, đây là vô lý vì phép tính thế này không thể có 2 kết quả được. Chính vì vậy phụ huynh đăng lên mạng để xin chỉ dẫn của mọi người.
Theo phân tích, một số người cho rằng nếu áp dụng quy tắc dấu ngoặc vào bài toán, ta có cách giải thứ nhất: 8 – 3 + 3 = 8 – (3+3) = 8 – 6 = 2. Thế nhưng nếu áp dụng dấu ngoặc ngược lại, ta có cách giải thứ 2 là: 8 – 3 + 3 = (8 – 3) + 3 = 5 + 3 = 8.
Nhiều người đã chọn cách giải thứ 2 vì cho rằng đây là đáp án trùng khớp với con số được bấm trên máy tính. Tuy nhiên, một số người cho rằng cách giải đầu tiên được áp dụng theo nguyên tắc “nhân chia trước, cộng trừ sau “, có nghĩa là thực hiện phép toán cộng rồi mới đến phép toán trừ. Chính vì vậy họ đã gộp phép toán 3 + 3 vào trong ngoặc, sau đó lấy 8 trừ cho đáp số trong ngoặc để có kết quả.
Cuộc tranh luận nổ ra không ngừng chia thành 2 phe riêng biệt khiến không ít người đau đầu. Một cô giáo đã lên tiếng giải thích về sự hiểu lầm trong phép toán trên. Theo đề bài toán đưa ra là 8 – 3 + 3. Như vậy, ta cứ căn cứ theo quy tắc thực hiện phép toán từ trái qua phải, bắt đầu từ phép toán 8 – 3 bằng 5, sau đó lấy 5 + 3 thì sẽ được đáp án là 8. Như vậy, kết quả của bài toán này là 8.
Đồng thời, cô giáo cũng chỉ ra rằng một số người đã hiểu sai về nguyên tắc “nhân chia trước, cộng trừ sau “. Thực chất, nguyên tắc thứ tự thực hiện phép toán nhân chia cộng trừ được nói đầy đủ là “trong một bài toán có đầy đủ 4 phép tính thì ưu tiên thực hiện phép tính nhân và phép tính chia trước, sau đó mới thực hiện phép tính cộng và phép tính trừ”.
Như vậy, phép toán nhân và phép toán chia là đồng hạng, tương tự phép toán cộng và phép toán trừ cũng là đồng hạng, không phân biệt trước sau.
Áp dụng vào bài toán 8 – 3 + 3 không có phép tính nhân và phép tính chia nên ta chỉ việc thực hiện phép toán theo thứ tự từ trái sang phải. Trường hợp muốn sử dụng dấu ngoặc trong bài toán này thì phải là 8 + (- 3 + 3) mới ra kết quả đúng.