Để chai nước lọc trong xe ô tô là thói quen của đa số tài xế. Tuy nhiên thực tế, chai nước lọc cũng có thể gây cháy nổ nếu đặt ở vị trí này trong thời tiết nóng bức.
Trong mùa hè nóng bức hầu như ai đi đâu cũng “thủ” theo một chai nước lọc, tránh trường hợp phải đội nắng đi mua mệt mỏi. Và nếu bạn là một người có ô tô thì tỷ lệ rất cao là bạn có thói quen để chai nước trong xe, đặc biệt là tiện tay để ở phía đầu xe hay bên cạnh ghế lái.
Trong một thí nghiệm của Dioni Amuchastegui – kỹ sư điện tại Idaho (Mỹ), một chai nước có thể tụ nắng và tạo ra nguồn nhiệt vượt 100 độ C. Nếu chiếc chai nước lọc được đặt trên một bề mặt tối (như ghế ngồi chẳng hạn), nguồn nhiệt tạo ra đủ để phát lửa và tạo ra thảm họa.
Trên thực tế, việc chai nước trong xe gây hỏa hoạn cần khá nhiều yếu tố, nhưng không phải vì thế mà nó không xảy ra. Bản thân Amuchastegui trước đó cũng suýt gặp phải một vụ việc tương tự, nên mới quyết định làm thí nghiệm cảnh báo đến mọi người.
Thực tế, nếu ở nhiệt độ bình thường thì không sao, nhưng nếu chiếc xe của bạn đang đỗ ngoài trời giữa trưa nắng thì cần phải nghĩ lại. Đúng vậy đấy! Chỉ một chai nước tưởng như vô hại, mà chiếc xe của bạn có thể biến thành… xe lửa theo đúng nghĩa đen.
Lý do là các chai nước thường có bề mặt hình cầu và làm từ nhựa trong suốt. Nếu nó đựng nước bên trong, cái chai có khả năng trở thành một thấu kính hội tụ. Giữa trưa nắng, nhiệt độ trong xe có thể lên tới gần 60 độ C. Ánh nắng từ cửa sổ chiếu qua cái chai sẽ hội tụ vào một điểm và đẩy nhiệt độ lên cao hơn nữa.
Rất nhiều người cho biết, đặt chai nước lên ghế đúng là thói quen mà họ từng mắc phải nhưng chưa từng nghĩ rằng hậu quả có việc này lại nghiêm trọng đến thế. Không chỉ có vậy, theo quan điểm của một số người am hiểu về xe, việc để chai nước trên ghế phụ còn gây ra một nguy cơ nữa, đó là khả năng chai nước lăn khỏi vị trí và rơi xuống chân ga, chân phanh, đặc biệt là chân phanh. Vào thời điểm người lái xe cần phanh gấp mà chai nước lăn xuống, chèn cứng chân phanh, sẽ vô cùng nguy hiểm.
Cũng liên quan tới chai nước lọc để trong xe ô tô, trước đó một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống nước trong chai nhựa để ở nhiệt độ cao trong một thời gian dài có thể gây ra những tác hại khôn lường đối với sức khỏe.
Điều đặc biệt, nghiên cứu này còn nhấn mạnh cụ thể tới trường hợp những chai nước có khi đã để hàng tháng trời ở sau ghế lái ô tô, khi lấy xe mà cảm thấy khát trong người thì bỏ ra uống. Động tác nhỏ này, tưởng là bình thường nhưng thực ra đang phá hoại sức khỏe mỗi ngày.
Cụ thể, theo nghiên cứu này thì khi nhiệt độ bên ngoài ở khoảng từ 80 độ F (27 độ C) – 100 độ F (38 độ C) thì nhiệt độ bên trong xe ô tô, nếu như không có điều hòa giảm nhiệt, có thể đạt ngưỡng từ 130 độ F (54 độ C) đến 172 độ F (77 độ C). Mức nhiệt này thậm chí còn cao hơn nhiệt độ “thấp” của một chiếc lò nướng.
Cũng theo một nghiên cứu từ Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ, trong điều kiện nhiệt độ gia tăng theo thời gian, sự khác biệt về nhiệt độ rất ít cho dù xe ô tô đang đóng cửa hoặc mở cửa hé. Trong cả hai trường hợp, nhiệt độ trong xe có thể tăng lên tới khoảng 40 độ C trong vòng một giờ, ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài là chỉ 22 độ C.
Vậy nên, hãy từ bỏ thói quen này trước khi quá muộn. Hoặc nếu muốn để nước trong xe thì ít nhất hãy nhớ bọc kín nó lại, tránh để ở nơi quá lộ, dễ tiếp xúc với ánh mặt trời.
(Theo Viet Q)