Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 07/2024/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Với những quy định chi tiết sẽ tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đèn chiếu sáng phía trước cho xe cơ giới, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện triển khai áp dụng phù hợp, từ đó đảm bảo chất lượng phương tiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (QCVN 35:2024/BGTVT) sửa đổi, bổ sung QCVN 35:2010/BGTVT quy định chi tiết các loại đèn chiếu sáng của phương tiện, bao gồm: Đèn chiếu gần, đèn chiếu xa; Đèn độc lập; Đèn theo nhóm; Đèn “liền khối”…
Theo đó, đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Về yêu cầu kỹ thuật của mẫu thử cũng được quy định cụ thể hơn, phải là đèn mới 100%, nguyên bản đúng theo thiết kế của cơ sở sản xuất, không được phép can thiệp chỉnh sửa các bộ phận của đèn bao gồm cả bóng đèn.
Ánh sáng của đèn phát ra không được là màu đỏ, bao gồm cả các loại đèn khác được lắp trên cùng thân đèn chiếu sáng phía trước. Phụ kiện kèm theo để đảm bảo đèn hoạt động ổn định, bao gồm cả đồ gá thử nghiệm đèn nếu cần thiết.
Ngoài ra, nếu là đèn chiếu sáng phía trước thích ứng (AFS) hoặc đèn không thể kích hoạt chức năng sáng bằng nguồn điện thông thường thì phải bao gồm bộ tạo tín hiệu và/hoặc thiết bị cung cấp và vận hành.
Như vậy, theo QCVN 35:2024/BGTVT
Đèn chiếu sáng phía trước là gì?
Đèn chiếu sáng phía trước được quy định tại Tiểu mục 3.4 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7791:2007 thì đèn chiếu sáng phía trước là thiết bị chiếu sáng có thể phát ra ít nhất là một chùm sáng xa, một chùm sáng gần hoặc một chùm sáng soi sương mù ở phía trước nhưng cùng hướng vào một đích duy nhất ngay cả khi các chùm sáng khác nhau cùng được phát ra.
Theo tiểu mục 3.2 Mục 3 QCVN 35:2024/BGTVT quy định về mẫu thử đèn chiếu sáng phía trước xe cơ giới như sau:
Số lượng mẫu thử:
Mỗi kiểu loại đèn cần 03 mẫu thử để thử nghiệm, chứng nhận chất lượng kiểu loại trong đó:
– 01 mẫu đèn hoàn chỉnh để thử nghiệm về kết cấu, đặc tính quang học, màu sắc ánh sáng và thử nghiệm theo Phụ lục R (nếu có);
– 02 mẫu đèn hoàn chỉnh để thử nghiệm tính ổn định đặc tính quang học.
Yêu cầu kỹ thuật về mẫu thử:
– Đèn mới 100%, phải nguyên bản đúng theo thiết kế của cơ sở sản xuất, không được phép chỉnh sửa, thay đổi các bộ phận của đèn bao gồm cả bóng đèn.
– Ánh sáng của đèn phát ra không được là màu đỏ, bao gồm cả các loại đèn khác được lắp trên cùng thân đèn chiếu sáng phía trước.
– Phụ kiện kèm theo để đảm bảo đèn hoạt động ổn định, bao gồm cả đồ gá thử nghiệm đèn nếu cần thiết.
– Nếu là đèn chiếu sáng phía trước thích ứng (AFS) hoặc đèn không thể kích hoạt chức năng sáng bằng nguồn điện thông thường thì phải bao gồm thiết bị cung cấp và vận hành và Bộ tạo tín hiệu (nếu có) quy định như sau:
Xem thêm
+ Bộ tạo tín hiệu là một thiết bị, tái tạo một hoặc nhiều tín hiệu để thử nghiệm hệ thống chiếu sáng;
+ Thiết bị cung cấp và vận hành là một hoặc nhiều bộ phận của hệ thống chiếu sáng cung cấp nguồn điện cho một hoặc nhiều bộ phận của hệ thống, bao gồm bộ điều khiển nguồn điện cho một hoặc nhiều nguồn sáng.
Mức phạt tiền khi điều khiển xe cơ giới không có đèn chiếu sáng phía trước
Đối với xe máy, xe mô tô:
Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông.
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;
Theo đó, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy không có đèn không có đèn phía trước.
Đối với xe ô tô:
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó), trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm m khoản 3 Điều 23, điểm q khoản 4 Điều 28 Nghị định này;
Theo đó, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không có đèn không có đèn phía trước.