Thông tin về sự việc này đã được báo chí đăng tải rồi, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!
Vào ngày 16 tháng 8 năm 2023, phóng viên của tờ Red Star News đưa tin về vụ tranh chấp thừa kế tiền gửi tiết kiệm do Tòa án Nhân dân thành phố Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) giải quyết. Vụ việc nhanh chóng nhận được sự chú ý của đông đảo người dân. Phán quyết cuối cùng của tòa đã giúp hòa giải tranh chấp giữa hai bên, đồng thời nhận được sự đồng thuận của dư luận.
Sự việc xoay quanh số tiền tiết kiệm của anh Mỗ – chồng của chị Vương Văn, sống tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cuối năm 2017, anh Mỗ ra ngân hàng mở một tài khoản tiết kiệm, rồi gửi số tiền 1,9 triệu Nhân Dân Tệ (khoảng 6,6 tỷ đồng) với kỳ hạn 5 năm. Tất cả giấy tờ đều đứng tên của anh Mỗ.
Hình ảnh năm 2017, anh Mỗ ra ngân hàng gửi 1,9 triệu Nhân dân tệ với kỳ hạn 5 năm
Không may sau đó, anh Mỗ biết bản thân mắc ung thư giai đoạn cuối. Anh quyết định lập di chúc, trong đó ghi rõ chị Vương Văn được hưởng toàn bộ tài sản chung của hai vợ chồng, bao gồm cả số tiền tiết kiệm 1,9 triệu Nhân dân tệ.
Sau khi chồng mất, chị Vương hoàn toàn suy sụp. Một thời gian sau, chị mới nhớ ra khoản tiết kiệm của chồng đã đến hạn rút. Chị mang theo giấy chứng tử, di chúc, giấy đăng ký kết hôn, căn cước công dân của mình và một số tài liệu của anh Mỗ đến ngân hàng để rút tiền. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại từ chối yêu cầu của chị Vương. Họ cho biết, chị không có quyền rút tiền vì chưa có giấy chứng nhận thừa kế của chồng.
Nhận được thông báo của ngân hàng, chị Vương vừa bất ngờ vừa bức xúc vì đã chuẩn bị đủ tài liệu theo đúng yêu cầu của pháp luật mà không được chấp thuận. Trong cơn tuyệt vọng, chị Vương đã đâm kiện ngân hàng. Chị hy vọng tòa án sẽ lấy lại công bằng cho mình.
Ngân hàng từ chối cho chị Vương rút tiền tiết kiệm vì cho rằng chị không có đủ quyền hạn, ảnh minh họa, nguồn: dSD
Tại phiên tòa, phía ngân hàng cho rằng chị Vương phải cung cấp bằng chứng chứng minh bản thân là người thừa kế, được thể hiện thông qua giấy chứng nhận thừa kế thì mới có thể rút số tiền tiết kiệm của chồng. Do chị Vương đã không cung cấp được giấy tờ hợp lệ nên ngân hàng không trả lại số tiền tiết kiệm.
Phía chị Vương phản biện, theo điều 1123 Bộ luật Dân sự (Trung Quốc) quy định, tài sản thừa kế được giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu có di chúc thì giải quyết theo di chúc hoặc di sản thừa kế.
Số tiền 1,9 triệu Nhân dân tệ ban đầu là tài sản chung của hai vợ chồng. Anh Mỗ là người đứng tên gửi tiết kiệm. Trong trường hợp anh Mỗ không để lại di chúc, thì chị Vương và các con vẫn là người thừa kế hợp pháp. Vì anh Mỗ đã để lại di chúc nên chị có quyền thừa kế toàn bộ tài sản của chồng. Do đó, chị Vương yêu cầu ngân hàng phải trả lại cho mình 1,9 triệu đồng tiền gửi và tiền lãi tương ứng.
Sau khi xem xét, tòa án cho biết mấu chốt của vụ việc này là xác định chị Vương có quyền thừa kế hay không. Vì vậy, việc cần làm là xác minh tính chính xác và hợp lệ của tờ di chúc trong tay chị Vương.
Theo đó, di chúc do chồng chị Vương để lại là di chúc bằng văn bản, có đầy đủ các yếu tố hình thức cần thiết, trong đó có cả chữ ký của người làm chứng. Ngoài ra, chị Vương còn cung cấp thêm đoạn video quay lại cảnh anh Mỗ ký vào di chúc. Vì vậy, di chúc được xác định là hợp pháp.
Cuối cùng, tòa án yêu cầu ngân hàng phải trả cho chị Vương số tiền gốc là 1,9 triệu Nhân dân tệ và tiền lãi tương ứng.
Giải đáp thắc mắc: Nếu người gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng qua đời đột ngột thì số tiền sẽ thế nào
Khi người gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng qua đời đột ngột, số tiền trong tài khoản tiết kiệm của họ sẽ được xử lý theo quy định pháp luật và hợp đồng giữa ngân hàng với khách hàng. Dưới đây là các bước chính để giải quyết:
1. Xác định người thừa kế hợp pháp
Số tiền tiết kiệm sẽ trở thành một phần tài sản thừa kế của người đã mất.
Người thừa kế hợp pháp được xác định dựa trên:
Di chúc: Nếu người đã mất để lại di chúc hợp pháp, số tiền sẽ được phân chia theo nội dung di chúc.
Luật thừa kế: Trong trường hợp không có di chúc, tài sản sẽ được phân chia theo quy định của Bộ luật Dân sự, thường là theo thứ tự ưu tiên thừa kế (vợ/chồng, con, cha mẹ…).
2. Thủ tục rút tiền hoặc chuyển quyền sở hữu
Để rút tiền hoặc chuyển quyền sở hữu tài khoản, người thừa kế cần thực hiện các bước sau:
Cung cấp giấy chứng tử của người đã mất.
Giấy tờ chứng minh quan hệ thừa kế, bao gồm:
Di chúc (nếu có).
Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, hoặc các giấy tờ khác chứng minh quan hệ gia đình.
Văn bản khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế:
Nếu có nhiều người thừa kế, cần có sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các bên liên quan.
Văn bản này cần được công chứng hoặc chứng thực.
Làm việc với ngân hàng: Người thừa kế cần đến ngân hàng nơi người đã mất có tài khoản, mang đầy đủ giấy tờ để hoàn thành thủ tục.
3. Xử lý theo quy định pháp luật
Trong một số trường hợp, nếu số tiền trong tài khoản tiết kiệm lớn, ngân hàng có thể yêu cầu giải quyết qua tòa án để xác nhận quyền thừa kế.
Nếu người đã mất có khoản nợ tại ngân hàng hoặc tổ chức khác, số tiền tiết kiệm có thể được sử dụng để thanh toán nợ trước khi phân chia cho người thừa kế.
4. Lưu ý đặc biệt
Nếu tài khoản tiết kiệm là loại tài khoản đồng sở hữu, người đồng sở hữu có quyền tiếp tục quản lý tài khoản mà không cần thông qua thủ tục thừa kế.
Người thừa kế nên kiểm tra kỹ các điều khoản của hợp đồng tiết kiệm để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Xem thêm: Đóng gần 830 triệu tiền bảo hiểm suốt 10 năm, đến hạn rút tiền thì công ty thông báo: “Hợp đồng ghi rõ phải đợi đến năm 2084”
Mua bảo hiểm cho con 10 năm mới phát hiện chi tiết lạ của hợp đồng
Cô Giang, sống tại huyện Phố Giang, thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), từng mua hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho con trai và con gái với suy nghĩ có thể rút tiền sau 10 năm. Nhân viên bảo hiểm khi đó cam kết rằng đây là sản phẩm tiết kiệm lý tưởng, đóng phí đủ 10 năm rồi có thể rút về lo chi phí học hành cho các con.
Ảnh minh hoạ
Bắt đầu từ năm 2009, cô Giang đều đặn đóng phí bảo hiểm mỗi năm. Tính đến nay, cô đã nộp tổng cộng hơn 230.000 NDT (gần 830 triệu đồng) cho hai hợp đồng bảo hiểm này.
Khi đủ thời gian lại thêm gia đình cô Giang gặp khó khăn tài chính nên cô dự định rút tiền từ bảo hiểm. Tuy nhiên, khi xem lại hợp đồng, cô bàng hoàng phát hiện thời hạn bảo hiểm không phải 10 năm như nhân viên nói, mà là 73 năm.
Theo hợp đồng, phải đến năm 2084 cô mới có thể kết thúc bảo hiểm này, rút tiền gốc và lãi về. Phát hiện khiến cô Giang vô cùng sửng sốt vì trước đó chưa từng được thông báo về thời hạn dài đến như vậy.
Cô Giang cho biết, lúc mua bảo hiểm, nhân viên chỉ giải thích mơ hồ rằng đóng 10 năm là có thể rút tiền. Không ai nhắc đến việc nếu hủy hợp đồng sớm sẽ bị tổn thất lớn.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, cô Giang đã lập tức liên hệ với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Xintai – đơn vị phát hành hợp đồng bảo hiểm để yêu cầu hủy hợp đồng và lấy lại số tiền đã đóng. Tuy nhiên, phản hồi từ phía công ty khiến cô càng thất vọng.
Đại diện công ty cho biết, theo điều khoản hợp đồng đã ký, nếu hủy vào thời điểm hiện tại, cô Giang chỉ được nhận lại số tiền tính theo giá trị tiền mặt của hợp đồng, chứ không phải toàn bộ số tiền cô từng đóng. Phía công ty cũng khẳng định, sau khi ký hợp đồng, nhân viên từng gọi điện xác nhận với cô Giang rằng cô đã hiểu rõ các điều khoản và quyền lợi liên quan.
Do không thể cung cấp bằng chứng cho thấy mình bị tư vấn sai hoặc có hành vi gian lận, mà hợp đồng đã có hiệu lực hơn 10 năm nay, nên yêu cầu hoàn trả toàn bộ số tiền của cô Giang rất khó được chấp nhận.
Lưu ý khi mua bảo hiểm
Các chuyên gia pháp lý phân tích, với nhiều hợp đồng bảo hiểm có chia cổ tức, nếu người mua hủy hợp đồng giữa chừng, khoản tiền nhận lại thường thấp, thậm chí mất hơn một nửa số tiền đã nộp. Nguyên nhân là giá trị hoàn lại sẽ tính theo giá trị tiền mặt của hợp đồng tại thời điểm hủy, trong khi giá trị này thường rất thấp vào những năm đầu. Phải sau nhiều năm, giá trị tiền mặt mới tăng dần, khi phí bảo hiểm và lợi nhuận tích lũy nhiều hơn.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu người mua bảo hiểm cho rằng mình bị tư vấn sai hoặc lừa dối, phải có bằng chứng rõ ràng như bản ghi âm, tin nhắn, email,… Nếu không có chứng cứ cụ thể, việc kiện tụng hoặc yêu cầu bồi thường rất khó thành công.
Ảnh minh hoạ
Thực tế, vụ việc của cô Giang không phải là trường hợp cá biệt. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh của thị trường bảo hiểm Trung Quốc, tình trạng tư vấn sai lệch, giấu thông tin và phóng đại quyền lợi đang ngày càng phổ biến.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi mua bảo hiểm, người tiêu dùng cần đọc kỹ điều khoản hợp đồng, nhất là về quyền lợi, nghĩa vụ, thời hạn bảo hiểm và điều kiện hủy hợp đồng. Nếu có điểm nào chưa rõ, phải yêu cầu nhân viên giải thích đầy đủ và lưu giữ các bằng chứng liên quan.
Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cần siết chặt quản lý đội ngũ tư vấn viên, đảm bảo quá trình bán hàng minh bạch, tuyệt đối không phóng đại lợi nhuận hay giấu thông tin rủi ro. Ngành bảo hiểm chỉ có thể phát triển bền vững khi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và duy trì uy tín minh bạch trong mọi giao dịch.
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dong-gan-830-trieu-tien-bao-hiem-suot-10-nam-den-han-rut-tien-thi-cong-ty-thong-bao-hop-dong-ghi-ro-phai-doi-den-nam-2084-a532621.html
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/cong-dong-hieu-luat/chong-mat-de-lai-so-tiet-kiem-6-ty-vo-di-rut-tien-thi-ngan-hang-noi-chi-khong-co-quyen-rut-tien