Quy chuẩn nêu trên đã có từ nhiều năm trước, lúc đó đường giao thông chủ yếu là 1 làn xe (1 chiều) hay 2 làn xe (2 chiều). Hiện nay, các đường giao thông chính đều đạt mức 2 làn xe trở lên (1 chiều) và 4 làn xe trở lên (2 chiều). Chính vì vậy việc biển báo giao thông nằm trong lề đường bên phải đã mất đi tác dụng thông báo chính xác cho người tham giao giao thông.
Việc này dẫn đến hệ lụy, người dân bị cảnh sát giao thông xử phạt nhưng không đồng thuận vì không thấy biển báo do tình hình khách quan và có tâm lý chống đối.
Do vậy, ông Toàn đề xuất gắn biển báo giao thông ở cả 2 bên đường hoặc trên giá long môn ở các tuyến đường có 2 làn xe trở lên. Việc này tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần giải quyết bức xúc của người dân.
Bộ Giao thông vận tải trả lời vấn đề này như sau:
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Trung Toàn đã có những ý kiến đóng góp quý báu, thiết thực đối với việc quy định triển khai lắp đặt hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của ông, cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Về nội dung ông Toàn kiến nghị, tại Điều 20 của QCVN 41:2016/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ đã quy định các nội dung về “Vị trí đặt biển báo theo chiều dọc và chiều ngang đường” như sau:
“20.1. Biển báo hiệu phải đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông.
Trường hợp không tính toán xác định cự ly nhìn thấy biển, những nơi vị trí biển báo có thể bị khuất thì cho phép lấy tầm nhìn bảo đảm người tham gia giao thông có thể nhìn thấy biển báo hiệu là 150m trên những đường xe chạy với tốc độ cao và có nhiều làn đường, 100m trên những đường ngoài khu đông dân cư và 50m trên những đường trong khu đông dân cư.
20.2. Biển được đặt về phía tay phải (trừ các trường hợp bất khả kháng) và mặt biển vuông góc với chiều đi. Biển phải đặt thẳng đứng; trong các trường hợp cần thiết khi phần đường xe chạy rộng thì phải lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều giao thông đi tới để nhắc lại biển đã lắp đặt phía bên phải; vị trí biển nhắc lại phải ngang bằng với biển bên phải.
Biển viết bằng chữ áp dụng riêng đối với xe thô sơ và người đi bộ, trong trường hợp hạn chế được phép đặt mặt biển song song với chiều đi.
20.3. Khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường phải cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5m và tối đa là 1,7m. Trường hợp không có lề đường, hè, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chờm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5m.
20.4. Ở trong khu dân cư hoặc trên các đoạn đường có hè đường cao hơn phần xe chạy thì cho phép đặt biển trên hè đường nhưng mép mặt biển phải cách mép hè là 0,5m và không choán quá nửa bề rộng hè đường. Nếu không bảo đảm được nguyên tắc đó thì phải treo biển ở phía trên phần xe chạy.
20.5. Trên những đoạn đường có dải phân cách hoặc các đảo giao thông, cho phép đặt biển trên đó nhưng mép ngoài của biển phải cách mép dải phân cách hoặc mép đảo ít nhất 0,5m.
20.6. Trên những đường xe chạy với tốc độ cao và có nhiều làn đường, biển phải treo ở phía trên phần xe chạy; có thể đặt biển cho từng làn đường và biển được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn”.
Như vậy các nội dung ông đề nghị, đã được Bộ Giao thông vận tải xem xét và đưa vào trong các quy định của QCVN 41:2016/BGTVT.
Quy định về vị trí đặt biển báo giao thông
Theo các Điều 20 và Điều 21 của QCVN 41:2019/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định:
“Điều 20. Vị trí đặt biển báo theo chiều dọc và ngang đường
20.1. Biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông.
20.2. Biển được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.
20.3. Trường hợp biển báo đặt trên cột (có thể đặt trên trụ chiếu sáng, trụ điện) thì khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5m và tối đa là 1,7m. Trường hợp không có lề đường, hè đường, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chờm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5m.
Điều 21. Giá long môn và cột cần vươn
21.1. Giá long môn và cột cần vươn là kết cấu chịu được trọng lượng bản thân, trọng lượng biển báo và chịu được cấp gió bão theo vùng, do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
21.2. Chân trụ giá long môn và chân cột cần vươn đặt ở lề đường, vỉa hè, dải phân cách, đảo giao thông cách mép ngoài phần đường xe chạy (kể cả những nơi bố trí làn đường dừng xe khẩn cấp, làn đường tăng, giảm tốc) ít nhất là 0,5m.
21.3. Khi treo biển trên giá long môn, cột cần vươn thì cạnh dưới của biển (hoặc mép dưới của dầm nếu thấp hơn cạnh dưới biển) cách mặt đường ít nhất là 5,2m đối với đường cao tốc và 5,0m đối với các đường khác”.
Các nội dung về thiết kế lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều giao thông đi tới để nhắc lại biển đã lắp đặt phía bên phải; trên những đường xe chạy với tốc độ cao và có nhiều làn đường, biển phải treo ở phía trên phần xe chạy; có thể đặt biển cho từng làn đường và biển được treo trên giả long môn hoặc cột cần vươn… để người dân có thể nhìn rõ hơn trong quá trình lưu thông luôn được ưu tiên trong quá trình thiết kế, lắp đặt trên cơ sở thực tế.
Trên thực tế một số tuyến đường hiện nay, do lịch sử và điều kiện kinh tế, hoặc một số lý do khác vẫn còn chưa lắp đặt được các giá long môn, hoặc chưa có biển bên trái đối với các tuyến đường rộng.
Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Quản lý đường bộ và các Sở Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh để bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin nhất cho người dân tham gia giao thông, đồng thời phát huy tác dụng điều tiết giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Bộ Giao thông vận tải rất mong được cộng tác với ông Nguyễn Trung Toàn và mọi ý kiến đóng góp về các vấn đề chuyên môn của ông nêu trên sẽ được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, nghiên cứu và điều hành các đơn vị triển khai thực hiện.