Ngao ngán cảnh đường phố biến thành “sàn nhảy”
Tối cuối tuần, chị Phạm Thu Hà (Phủ Lý, Hà Nam) đưa con đi dạo chơi ở khu phố đi bộ. Tuy nhiên, hai mẹ con phải mất gần 20 phút chôn chân một chỗ do một đoạn đường của phố đi bộ bị nhóm khoảng 40-50 người xếp hàng biến thành “sàn nhảy” aerobic (thể dục nhịp điệu).
“Tôi đi làm cả tuần về mệt mỏi, buổi tối muốn cho các cháu nhỏ ra những chỗ sạch sẽ thoáng mát để thư giãn nhưng không ngờ lại gặp cảnh ồn ào. Loa kẹo kéo mở hết công suất, các chị em vừa nhảy vừa hò hét khiến không gian công cộng trở nên hỗn độn”, chị Hà nói.
Sinh sống tại Hà Nội, chị Phạm Anh Thư (quận Đống Đa) chia sẻ không ít lần bắt gặp cảnh chị em “dàn trận” giữa vỉa hè, công viên, đôi khi là đường phố để “nhảy, giật đùng đùng”. Những hoạt động ấy không chỉ diễn ra vào các khung giờ như sáng sớm, buổi tối mà có thể là bất cứ khi nào.
“Nhiều chị em ăn mặc hở hang, bó sát, đứng giữa đường phố nhún nhảy, nhiều động tác mạnh mà quần áo thì ngắn và bó sát nhìn rất thiếu tế nhị, đến phụ nữ nhìn còn đỏ mặt huống chi là nam giới”, chị Thư chia sẻ.
Trở về từ một đám cưới cách đây ít lâu, anh Đoàn Văn Tâm (Hà Nội) chia sẻ, bản thân phải ngượng ngùng rút lui sớm khi phần trình diễn tại đám cưới có tiết mục yoga.
Anh Tâm ngồi bàn đầu, đang ăn uống cùng nhóm bạn thì thấy một nhóm nữ 5 người mặc áo bra (áo lót thể thao), quần bó sát đồng màu trải thảm tập yoga. Không gian sân tiệc không quá rộng, các chị em phải trải thảm gần các bàn tiệc để… “uốn dẻo”.
Các động tác nghiêng, cúi, xoạc dọc, xoạc ngang, thăng bằng, uốn cong… được hội chị em phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, có thể do không gian chật hẹp, ồn ào ảnh hưởng đến tâm lý nên nhiều đoạn họ thực hiện chưa được nhuần nhuyễn khiến nhiều người phá lên cười.
Có nhiều cách để lan tỏa tinh thần thể thao
Trên các diễn đàn, người dùng mạng chia sẻ nhiều đoạn video quay lại cảnh các nhóm chị em ăn mặc trang phục bó chẽn, gợi cảm nhảy hoặc thể hiện các động tác yoga ở những nơi công cộng như phố đi bộ, công viên hay các sự kiện trọng thể như đám cưới, lễ kỷ niệm…
Gần đây nhất là video ghi lại cảnh một nhóm nữ đứng tràn xuống đường nhảy aerobic bất chấp nhiều chiếc xe vẫn liên tục di chuyển qua lại. Cư dân mạng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an toàn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn.
Nhiều ý kiến cho rằng, luyện tập sức khỏe là tốt song không nên nghĩ rằng cứ đến nơi đông người nhún nhảy mới là đẹp.
Sau khi xem những đoạn video trên, chị Nguyễn Hương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ: “Tôi là người nhảy tự do và tham gia nhiều nhóm nhảy nghiệp dư nhưng chưa bao giờ kéo cả nhóm ra đường như vậy.
Tôi nghĩ mặc hở hang nhảy nhót trên đường hoặc xuất hiện ở đám cưới dưới bao nhiêu con mắt già trẻ lớn bé thực sự không phù hợp. Nhiều gia chủ khi tổ chức đám cưới cũng rất lạ. Đám cưới là ngày vui của con trẻ chứ không phải đại hội thể thao để đồng diễn”.
Tài khoản có tên Thủy Đinh thì chia sẻ: “Nhiều người nghĩ trình diễn, nhảy múa như vậy là truyền cảm hứng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và thể hiện không đúng cách thì hoạt động này sẽ trở thành lố bịch.
Phong trào thể dục thể thao là tốt nhưng nên đúng nơi, đúng lúc và đúng chỗ chứ không phải hở ra là giật, thích lên là giật, ở đâu cũng giật được, vừa gây ô nhiễm tiếng ồn, vừa phản cảm”.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, Kiện tướng Yoga Việt Nam Nguyễn Thành Nam cho rằng, việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm nhảy, nhóm luyện tập yoga, dân vũ cho thấy phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe phát triển mạnh trong cộng đồng. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
“Nhiều người thể hiện các tiết mục có thể chỉ với mong muốn lan tỏa tinh thần thể thao. Tuy nhiên, họ lại không ý thức được rằng, việc làm của mình đang làm ảnh hưởng đến người khác.
Tôi cho rằng, việc tập luyện, trình diễn nên được tổ chức đúng nơi, đúng chỗ để không vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến giao thông và gây phản cảm trong cộng đồng”, Kiện tướng Yoga Việt Nam nói.
Theo anh Nguyễn Thành Nam, để không ảnh hưởng đến quá nhiều người, các nhóm có thể luyện tập ở những không gian thiên nhiên, rộng rãi hoặc không gian phòng tập mang tính riêng tư.
Từ trước đến nay, các tiết mục yoga mang tính nghệ thuật thường cũng chỉ được trình diễn ở các hội thi, các chương trình liên quan đến thể dục thể thao chứ không bao giờ tổ chức ở không gian sôi động như đám cưới…
“Việc tập luyện thể dục thể thao nói chung hay yoga nói riêng giúp cơ thể khỏe mạnh, đem lại sự tự tin cho mọi người. Nếu các hoạt động như nhảy aerobic, dân vũ hay yoga… được thể hiện đúng không gian thì sẽ lan tỏa đúng tinh thần của môn thể thao đó và nhận được nhiều sự đồng cảm, không khiến người khác tranh cãi hay hiểu sai về bộ môn đó”, Kiện tướng Yoga Việt Nam cho hay.
Anh cho rằng, có nhiều cách để mỗi người, mỗi nhóm chia sẻ thành quả tập luyện, lan tỏa thông điệp rèn luyện tới nhiều người như: Quay video chia sẻ lên mạng xã hội hay đăng ký tham gia các cuộc giao lưu giữa các câu lạc bộ, các hội thi thể dục thể thao….
Bàn về văn hóa tập yoga hiện nay, Nữ hoàng Yoga Việt Nam 2022 Nguyễn Sơn (Hà Nội) cho hay, tinh thần của “yoga cổ” là phải tập ở phòng tập, nơi có không gian yên tĩnh và tách biệt với tiếng ồn.
Điều này giúp cho các yogi (người tập yoga) có sự tập trung để luyện thân, luyện tâm, luyện trí. Từ đó, giúp người tập luyện đạt hiệu quả tối ưu, có một sức khỏe tốt và tâm trí cân bằng.
“Tuy nhiên, theo thời gian thì “yoga cổ” đã bị biến chất và có nhiều cách thức tập luyện khác nhau, không còn giữ nguyên giá trị gốc. Một số người chưa hiểu hết về yoga, dẫn đến việc họ vô tư thể hiện các động tác yoga mọi nơi, mọi lúc.
Thậm chí, họ còn lập thành các đội nhóm để biểu diễn yoga trên đường phố hay ở đám cưới. Từ góc độ cá nhân, tôi thấy tập yoga ở ngoài đường là một cách không phù hợp, trừ khi nơi đó có không gian thật yên tĩnh, thoáng mát”, chị Sơn nói.
Theo Nữ hoàng Yoga Việt Nam, kể cả công viên cũng không phải chỗ thích hợp để tập yoga, bởi đó là không gian có nhiều người qua lại, tụ tập đông đúc, nên dễ gây mất tập trung.
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/do-mat-canh-mac-ho-hang-nhay-dung-dung-giua-pho-the-thao-thich-the-hien-20240527164456854.htm?