Thời điểm hiện tại, lực lượng CSGT vẫn chưa áp dụng việc xác thực thông tin trên ứng dụng VneIthay cho việc kiểm tra giấy tờ xe trực tiếp.
VNeID là gì?
Khoản 12 Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP giải thích, VNelD là ứng dụng trên thiết bị số do Bộ Công an tạo lập, phát triển để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công, các giao dịch khác trên môi trường điện tử cũng như phát triển các tiện ích để phục vụ cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Tài khoản VNeID sử dụng số định danh cá nhân (số Căn cước công dân gắn chip) và số điện thoại của người dân để đăng nhập.
Khi sử dụng VNeID, người dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở 2 mức:
Tài khoản định danh điện tử mức 1 có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
Tài khoản định danh điện tử mức 2 có giá trị tương đương với sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân. Đồng thời, cung cấp thông tin có trong các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử như giấy phép lái xe (GPLX), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)…
Trong VNeID sẽ hiện thị đầy đủ các thông tin về căn cước công dân, giấy phép lái xe, đăng ký xe… khi được tích hợp.
Sử dụng VNeID thay cho bằng lái xe?
Theo Điều 11 Nghị định 59, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử là công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên. Công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Để sử dụng VNeID thay cho GPLX, thẻ BHYT, công dân phải đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 trực tiếp tại công an xã, phường, thị trấn.
Sau khi thực hiện xong thủ tục, cơ quan quản lý sẽ thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp, người dân có thể yêu cầu cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Tại dự thảo lần thứ tư Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến, điều 33 quy định: Người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải mang đăng ký xe, giấy phép lái xe… Trường hợp thông tin các loại giấy tờ trên đã đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID thì không phải mang theo.
Khi tuần tra kiểm soát, nếu thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ trên VNeID thì cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra trên ứng dụng điện tử.
Việc kiểm tra qua app VNeID như dự thảo hiện được nhắc đến trong khoản 2 điều 12 Thông tư 32/2023 có hiệu lực từ 15/9.
Như vậy, người dân được phép xuất trình giấy tờ như giấy phép lái xe, bằng lái xe… đã tích hợp trên VNeID thay cho các giấy tờ bản giấy khi cảnh sát giao thông kiểm tra.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, lực lượng CSGT vẫn chưa áp dụng việc xác thực thông tin trên ứng dụng thay cho việc kiểm tra giấy tờ xe trực tiếp.
Giải đáp vấn đề này, tại tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, khi nào người dân tích hợp đầy đủ giấy tờ và thay đổi thói quen dùng giấy tờ bản giấy, cơ quan quản lý Nhà nước trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng (thiết bị đọc, đầu cuối…) và được đào tạo, tập huấn toàn diện, thì lúc đó căn cước điện tử mới có thể thay thế cho các loại giấy tờ truyền thống.
Nguồn: https://vtc.vn/khi-nao-duoc-su-dung-vneid-thay-cho-bang-lai-xe-giay-to-xe-ar837436.html