Đại học Bách khoa Hà Nội có công thức riêng để tính điểm xét tuyển, ưu tiên môn Toán là nguyên nhân khiến hai thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1 vào Bách khoa Hà Nội.
Chiều nay (22/8), Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm chuẩn của 52 ngành đào tạo theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Theo đó, ngành khoa học máy tính (IT1) tiếp tục là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của trường này, với 29,42 điểm.
Công thức tính điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành khoa học máy tính như sau: (môn 1+ môn 2 + môn 3 + môn chính) x 3/4 + điểm ưu tiên.
Môn chính ở ngành này là môn toán. Ngành tuyển sinh hai tổ hợp là A00 (toán, lý, hóa) và A01 (toán, lý, tiếng Anh).
Nguyễn Mạnh Thắng (Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (Hưng Yên) là thủ khoa tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), cùng đặt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong đó, Thắng đạt 9,75 Vật lý, 10 Hóa; còn Hùng đạt 10 Lý và 9,75 Hóa. Cả hai cùng đạt 9,6 điểm Toán, tổng 29,35.
Thế nhưng với mức điểm chuẩn của ngành thì thủ khoa của khối A00 (Toán, Lý, Hóa) đạt điểm 29,35 trong kỳ thi THPT 2023 vẫn trượt nguyện vọng 1 khi xét tuyển vào ngành này, cả hai thủ khoa đều thiếu 0,16 điểm để vào được ngành khoa học máy tính.
Dù trượt nguyện vọng 1, hai thủ khoa khối A00 vẫn đỗ nguyện vọng 2 vào Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Kỹ thuật máy tính (IT2). Ngành này lấy điểm chuẩn 28,29.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Khoa học máy tính là ngành “hot” nhưng chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp lại không nhiều.
Năm nay, ngành Khoa học máy tính tuyển 300 sinh viên, chiếm chưa đến 4% tổng chỉ tiêu toàn Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Trong khi đó, trường đã tuyển được số lượng lớn sinh viên vào ngành này theo các phương thức khác như xét tuyển tài năng hay dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy. Điều này đẩy điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp lên trên 29”, ông Điền nói.
Thực tế, điểm trúng tuyển ngành Khoa học máy tính theo các phương thức khác cũng luôn trong nhóm cao nhất. Ví dụ, điểm chuẩn theo kết quả thi đánh giá tư duy là 83,9/100. Thí sinh phải nằm trong top 5% điểm cao nhất kỳ thi mới đỗ. Với xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, thí sinh phải đạt 1500/1600 SAT (bài thi chuẩn hóa dùng tuyển sinh của đại học Mỹ), thuộc top 1% thế giới. Trong đó, phần Toán đạt 750/800.
Theo College Board, đơn vị tổ chức kỳ thi SAT, điểm SAT trung bình của sinh viên trúng tuyển đại học Mỹ năm 2021 là 1060/1600. Chỉ 12 trường có mức điểm SAT trung bình của sinh viên từ 1500 trở lên.
Ông Điền cũng cho rằng điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính là cá biệt. Các ngành khác thuộc nhóm Công nghệ thông tin của trường năm nay có điểm chuẩn từ trên 27 đến dưới 29, tương tự các năm trước.
Từ năm 2015, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xét tuyển một số ngành khối kỹ thuật và công nghệ bằng các tổ hợp có môn Toán. Trong đó, Toán được trường coi là môn chính, nhân hệ số 2. Trường nhận định kết quả môn học này là thước đo tin cậy về năng lực tư duy logic của thí sinh, vốn rất cần thiết khi theo học các ngành kỹ thuật.
Đến năm 2017, dù môn Toán ở kỳ thi THPT quốc gia được đổi từ tự luận sang trắc nghiệm, trường Bách khoa vẫn nhân đôi điểm môn Toán ở một số tổ hợp như A00, A01 (Toán, Lý, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh), sau đó quy toàn bộ điểm về thang 30.
Với quy định này, thí sinh đạt điểm cao môn Toán sẽ có lợi thế hơn.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 7.985 sinh viên. Trong đó, 15-20% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển tài năng, 85-90% xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy do trường tổ chức.
Nguồn: https://we25.vn/cu-dan-mang/hai-thu-khoa-khoi-a-toan-quoc-van-truot-nguyen-vong-1-dh-bach-khoa-neu-ly-do-325501?