Thời tiết nắng nóng gay gắt cùng tình trạng kẹt xe trên nhiều tuyến đường những ngày nghỉ lễ… do đó khi dừng nghỉ hoặc sau chuyến hành trình dài nhiều chủ xe thường mở nắp ca-pô ô tô để giúp “giải nhiệt” nhanh cho khoang động cơ, tuy nhiên việc làm này có thực sự cần thiết?
Báo Thanh Niên ngày 29/04/2024 đưa thông tin với tiêu đề: “Nắng gắt, có cần mở nắp ca-pô ‘giải nhiệt’ khoang động cơ ô tô sau chuyến đi”. Với nội dung như sau:
Người dân trên cả nước đang bước vào kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5, với thời gian dài nên nhiều người sử dụng ô tô đi về quê, du lịch với gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, thời tiết những ngày gần đây đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt, cộng với tình trạng kẹt xe tắc đường xảy ra nhiều nơi khiến việc lưu thông bằng ô tô gặp khá nhiều bất tiện.
Sau khi đã lái xe hàng trăm kilomet, khi dừng nghỉ hoặc kết thúc hành trình, dễ nhận thấy nhiều chủ xe thường có thói quen mở nắp ca-pô để giúp “giải nhiệt” nhanh cho khoang động cơ. Tuy nhiên việc làm này có thực sự cần thiết và mang lại nhiều hiệu quả như nhiều người vẫn nghĩ.
Với các mẫu ô tô dùng động cơ đốt trong chạy bằng xăng, dầu, sau khi vận hành xuyên suốt nhiều giờ, qua hàng trăm kilomet, nắp ca-pô đều khá nóng do nhiệt tỏa ra từ động cơ. Với nhiều người, việc mở nắp ca-pô ngay sau khi tắt máy, có thể giúp giảm nhiệt cho khoang động cơ, vì hơi nóng luôn bốc lên cao, do đó khi bật nắp ca-pô, hơi nhiệt sẽ nhanh chóng tản đi.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kỹ thuật của một hãng xe Nhật Bản, không có sự chênh lệch nhiệt độ đáng kể giữa động cơ chạy trong 4 giờ và động cơ chạy trong 1 giờ. Điều này có nghĩa là việc mở nắp ca-pô ô tô ngay sau một chuyến đi dài có thể không cần thiết. Vị này cho biết thêm, khi mở mui xe thực chất chỉ giúp thoát nhiệt từ bề mặt động cơ, còn các bộ phận bên trong động cơ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Bởi thực chất, động cơ ô tô đã được thiết kế với các bộ phận làm mát như bộ tản nhiệt, quạt làm mát, nước làm mát và các hệ thống làm mát khác… Do đó, nếu hệ thống làm mát hoạt động ổn định thì nhiệt độ động cơ ô tô sẽ vẫn ở mức lý tưởng. Bên cạnh đó, khi xe vận hành sẽ có luồng không khí lưu thông giúp giải nhiệt cho khoang động cơ.
Vì vậy, sau khi đã lái xe qua một hành trình dài, khi tắt động cơ để dừng nghỉ hoặc kết thúc hành trình… các lái xe không nhất thiết mở nắp ca-pô để tản nhiệt, bởi thực tế không có lợi ích đáng kể nào trong việc kéo dài tuổi thọ động cơ. Nó chỉ có thể kéo dài một chút tuổi thọ của các bộ phận bằng nhựa hoặc cao su trong khoang động cơ.
Ngoài việc không hữu ích trong việc giảm nhiệt độ động cơ, việc mở nắp ca-pô sau khi ô tô vừa hoạt động nhiều giờ liền có thể gây nguy hiểm cho người dùng. Mối nguy hiểm đầu tiên là việc động cơ quá nóng có thể gây bỏng nếu người dùng vô tình chạm vào. Bên cạnh đó, cũng sẽ ảnh hưởng tới động cơ vì sẽ làm gián đoạn quá trình làm mát tự nhiên của động cơ.
Thay vì mở nắp ca-pô ô tô khi dừng nghỉ hay sau mỗi chuyến đi, người dùng ô tô nên chú ý bảo dưỡng định kỳ và kiểm tra hệ thống làm mát trước lái ô tô trên một hành trình dài, điều quan trọng hơn là tránh động cơ quá nóng. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra đồng hồ đo nhiệt độ của xe. Ngoài ra, để giúp động cơ “giải nhiệt” một cách tự nhiên, sau khi kết thúc hành trình hay đến điểm dừng nghỉ, khi xe dừng hẳn nên để động cơ hoạt động vài phút trước khi tắt máy.
Tiếp đến, báo Vietnamnet cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Mùa nắng nóng, có nên mở hé nắp capo khi di chuyển để tránh quá nhiệt cho xe? Nội dung được đưa như sau:
Nhiều tài xế truyền tai nhau mẹo nhỏ mở hé nắp capo để động cơ ô tô lấy được nhiều gió hơn, tránh quá nhiệt. Vậy, cách làm này là đúng hay sai?
Vào mùa nắng nóng cao điểm như hiện nay, ô tô khi làm việc nhiều giờ liên tục trên đường rất dễ bị nóng máy, quá nhiệt, dẫn đến giảm công suất, hư hại cho động cơ, thậm chí tăng nguy cơ cháy nổ.
Gần đây, nhiều độc giả cũng gửi câu hỏi về VietNamNet liên quan đến cách phòng tránh ô tô bị quá nhiệt khi trời nắng nóng, trong đó có “mẹo” được nhiều người truyền tai nhau là mở hé nắp capo để khoang động cơ thông thoáng, lấy được nhiều gió hơn, từ đó hạn chế xe bị quá nhiệt khi đi đường.
Vậy, đây có phải là giải pháp giúp hạn chế việc ô tô bị quá nhiệt, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay?
Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Gia Dương – Giảng viên Trung tâm đào tạo lái xe, trường ĐH Công nghệ GTVT cho biết, việc hé nắp capo của xe không lạ lẫm gì và được nhiều người nhất là cánh đi xe tập lái sử dụng khá thường xuyên.
“Khi xe tập lái sử dụng hàng giờ đồng hồ, lại chủ yếu đi số thấp, vòng tua máy cao sẽ khiến khoang động cơ rất nóng. Nếu duy trì điều này thường xuyên sẽ hại cho các bộ phận khác ở phía dưới nắp capo như nhựa, cao su, ắc-quy,…
Thế nên các thầy thường không sập hẳn nắp capo mà còn chèn thêm chai nước ở hai bên, để ra một khoảng nhỏ chừng 2-3 cm giúp không khí lưu thông dễ hơn, khoang máy đỡ bị om hơi nóng”, giảng viên lái xe này chia sẻ.
Tuy vậy, anh Dương cũng nhấn mạnh, cách trên chỉ sử dụng ở trong sân tập lái với tốc độ rất thấp, còn đi đường trường là không phù hợp, thậm chí gây nguy hiểm khi chạy tốc độ cao.
Đồng tình với ý kiến trên, kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên – Giám đốc Trung tâm dịch vụ ô tô Kiên Phong (Hà Nội) cũng cho rằng, việc hé nắp capo có thể giải phóng nhiệt độ khoang máy khi xe đứng im hoặc di chuyển với vận tốc rất thấp, còn khi đi nhanh thì không cần thiết.
“Ô tô là sản phẩm được nghiên cứu rất kỹ về khả năng vận hành, trong đó việc làm mát động cơ chủ yếu là bởi dung dịch (nước làm mát). Còn gió và không khí được thiết kế vào khoang máy qua mặt ca-lăng để phục vụ hệ thống quạt gió và giàn nóng điều hoà. Việc hé thêm một khoảng nhỏ ở nắp capo không giúp gì cho việc làm mát chiếc xe”, kỹ sư Kiên phân tích.
Vị chuyên gia này còn cho rằng, việc mở hé nắp capo khi xe di chuyển là khá nguy hiểm bởi nếu chạy với tốc độ cao, gió có thể làm nắp capo bung lên, đập ngược vào kính lái gây hư hại cho xe và mất an toàn cho những người bên trong.
Trên thực tế, không thiếu những trường hợp ô tô di chuyển mà nắp capo chưa đóng chặt đã bật lên và đập vào kính lái. Chủ xe sau đó phải mất đến cả chục triệu để khắc phục. Chưa kể, việc đóng nắp capo không chặt sẽ gây tiếng ồn “lạch cạch” khá khó chịu.
Do vậy, kỹ sư Dương Trung Kiên cho rằng, trong mọi trường hợp lái xe trên đường, nắp của khoang động cơ cần được đóng chặt đúng cách.
Các chuyên gia cũng đưa ra một số lời khuyên để tránh cho chiếc xe bị quá nhiệt khi di chuyển trên đường, nhất là vào mùa hè với nền nhiệt độ cao như sau:
– Thường xuyên vệ sinh khoang máy; loại bỏ rác, lá cây và các vật dụng che khuất đường gió vào ở mặt ca-lăng;
– Kiểm tra kỹ các hạng mục như nước làm mát, dầu máy trước mỗi chuyến đi xa;
– Không nên để xe vận hành dưới trời nắng nóng quá 3 giờ liên tục. Có thể chia nhỏ chặng đường để xe “nghỉ” khoảng 15-20 phút rồi mới tiếp tục di chuyển;
– Thường xuyên quan sát đồng hồ báo nhiệt độ động cơ. Nếu phát hiện dấu hiệu xe bị quá nhiệt, cần lập tức tìm nơi thích hợp để đỗ xe. Sau khi đỗ, nên tắt máy và chờ động cơ nguội.
– Nếu khoang máy quá nóng và có khói, hơi nước bốc lên thì nên mở nắp capo để đẩy nhanh quá trình tản nhiệt. Chỉ nên tiến hành kiểm tra các bộ phận bên trong khi động cơ đã nguội hẳn để đảm bảo an toàn;
– Khi động cơ xe đang nóng, không nên mở nắp hoặc kiểm tra két nước làm mát để tránh bị bỏng. Trong quá trình kiểm tra, cần chú ý quan sát hệ thống làm mát bị hư hỏng, xác định vị trí rò rỉ nước làm mát nếu có;
– Nếu bị thiếu hoặc hết nước làm mát, nên khắc phục tạm thời bằng cách đổ thêm nước làm mát hoặc nước sạch và đưa phương tiện tới gara sớm nhất có thể.
Tổng hợp