Cơ quan thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng.
Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp ngày 09/05/2024 có bài viết đưa thông tin với tiêu đề: “Ngành thuế muốn cấm mua bán vàng bằng tiền mặt”. Với nội dung như sau:
Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ vàng, như năm 2023 khoảng 55,5 tấn, theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới. Nhưng các giao dịch mua bán vàng, bạc thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu tính minh bạch, chênh lệch giá trong nước và thế giới cao…
Chia sẻ với VnExpress, đại diện Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua, ngành này có nhiều giải pháp để kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử với các giao dịch mua, bán vàng. Tuy nhiên, để kiểm soát được toàn bộ các giao dịch, ngành thuế cho rằng cần sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương.
Cơ quan này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp trong kiểm soát dòng tiền, nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng. Cùng đó, các địa phương được đề nghị tăng thanh, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm với các cơ sở không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua.
Trước đó, chỉ thị ngày 2/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra ngay với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Ông yêu cầu các giao dịch mua, bán kim loại quý này phải có hóa đơn điện tử để tăng minh bạch. Các doanh nghiệp không thực hiện, chế tài mạnh nhất là thu hồi giấy phép hoạt động.
Các yêu cầu này được Chính phủ đưa ra nhiều lần trong thời gian gần đây, khi giá vàng liên tục biến động, chênh cao với giá thế giới.
Đại diện cơ quan thuế cho biết, doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc chủ yếu trong hai lĩnh vực, vàng miếng và trang sức, mỹ nghệ. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải đáp ứng quy mô về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Còn doanh nghiệp mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ cần đăng ký kinh doanh theo giấy phép thành lập doanh nghiệp và đáp ứng một số quy định về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
“Cơ quan quản lý thuế cơ bản đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn”, đại diện cơ quan này cho biết. Tuy nhiên, theo đại diện thuế, trường hợp với vàng trang sức, mỹ nghệ, người mua là cá nhân và không lấy hóa đơn, dẫn đến khó khăn cho ngành thuế trong kiểm soát giao dịch.
Do đó, Tổng cục thuế khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, qua đó tạo thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi khi mua hàng.
Thực tế, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022, theo Luật Quản lý thuế. Thông tin từ đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn này.
Từ cuối 2022, ngành thuế triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Hiện, cả nước có hơn 5.800 cơ sở kinh doanh vàng, bạc áp dụng, sử dụng trên 1 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Tiếp đến, báo Vietnamnet ngày 06/05/2024 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt, tốt nhưng rất tiếc? Nội dung được đưa như sau:
Đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng là tốt và cần thiết, nhưng khó thực hiện. Nếu thực thi, người tiêu dùng sẽ phản ứng đầu tiên, chứ không phải doanh nghiệp – theo chuyên gia.
Nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Các chuyên gia thuế, chuyên gia kinh tế và chuyên gia trong lĩnh vực vàng đã có những quan điểm, góp ý khác nhau trước đề xất này.
Khó khả thi, khiên cưỡng?
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, dẫn số liệu của Tổng cục Thuế cho hay, đến nay cả nước có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Con số này chiếm đến 80-90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng bạc, cho thấy bước đầu đã kiểm soát được các đơn vị kinh doanh.
“Giờ ngành thuế lại muốn phải chuyển khoản, không thanh toán bằng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng là không khả thi.
Người tiêu dùng sẽ phản ứng đầu tiên, chứ không phải doanh nghiệp. Nếu mua số lượng vàng lớn hay mua vàng miếng SJC thì có thể áp dụng; nhưng nếu chỉ mua nhỏ lẻ như vàng chỉ, vàng nữ trang sẽ khó thực hiện. Bởi lẽ, không phải ai cũng có tài khoản, thẻ tín dụng”, ông Khánh cho hay.
Vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Trên thực tế, chưa có ngành kinh doanh nào áp dụng quy định thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn, vậy tại sao lại muốn lấy ngành vàng để áp dụng?
“Nếu đề xuất này được thực thi, còn “siết” hơn cả Nghị định 24 (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng – PV).
Trong khi, trên thế giới, các nước chỉ khuyến khích bớt sử dụng tiền mặt, chứ chưa có quốc gia nào đưa quy định 100% mặt hàng nào đó không được mua bán bằng tiền mặt”, ông Khánh nói.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, nếu bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng cũng không tác động nhiều đến thị trường, không khiến thị trường vàng trầm lắng.
“Nếu dùng biện pháp hành chính bắt buộc trong thanh toán giao dịch vàng miếng không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát thị trường vàng, nó sẽ đi “ngầm” hết. Hơn nữa, việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn”, ông Khánh phân tích thêm.
Dù đánh giá đề xuất của Tổng cục Thuế là rất minh bạch, cần thiết và tốt, nhưng chia sẻ với VietNamNet, PGS. TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, đề xuất hơi khiên cưỡng, rất ít tính khả thi.
Theo ông, các nước không dùng tiền mặt là xu hướng chung, nhưng với những người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa chỉ mua nửa chỉ hay 1 chỉ vàng cũng phải thanh toán qua tài khoản thì rất khó. Bởi, muốn thanh toán không dùng tiền mặt phải có phương tiện như điện thoại thông minh.
“Tốt nhất, Ngân hàng Nhà nước nên quy định, mua bán vàng bao nhiêu tiền trở lên mới phải thanh toán qua tài khoản, điều đó mới khả thi. Có thể quy định giao dịch vàng trên 100 triệu đồng mới cần thanh toán không dùng tiền mặt; còn với những giao dịch ít, chỉ mua vài chỉ thì vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt”, ông Long đề xuất.
Nên thực hiện thí điểm
Chia sẻ quan điểm với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng nền kinh tế càng minh bạch, nhà nước càng quản lý được các giao dịch càng tốt.
Do đó, nếu thực hiện được việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ rất tốt, thuận lợi cho các bên giúp công tác quản lý, thu nộp thuế, cũng như điều hành vĩ mô của nhà nước sẽ thuận tiện, minh bạch hơn. Khi đó, việc thu thuế sẽ công bằng, bình đẳng hơn giữa các đơn vị với nhau.
“Hiện chúng ta cũng không kiểm soát được số lượng, giao dịch mua bán vàng trong dân là bao nhiêu. Đáng lẽ, phải thực hiện lâu rồi, chứ không phải bây giờ mới đề xuất”, vị chuyên gia thuế nói.
Theo ông Được, pháp luật thuế hiện nay chỉ quy định phải thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng đối với các tổ chức để được khấu trừ và tính vào chi phí, chưa có quy định với các giao dịch kinh doanh vàng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc, việc ban hành văn bản pháp luật sẽ phù hợp hơn.
Tuy nhiên, ông Được lo ngại vấn đề hạ tầng, sự hiểu biết của người dân với việc thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế. Vì thế sẽ bị gián đoạn, hạn chế trong các giao dịch mua bán vàng bởi không phải ai cũng biết giao dịch chuyển khoản.
“Người có vàng, nhất là những người cao tuổi, nông dân… chưa hẳn ai cũng có tài khoản ngân hàng, nhưng đây là số ít. Nếu chúng ta chấp nhận bỏ qua một số ít bị thiệt thòi, chưa tiếp cận được để đạt được mục tiêu lớn hơn thì chính sách này vẫn nên thực hiện”, ông Được cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thức – chuyên gia cấp cao về Thuế và Kế toán, cố vấn cấp cao Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kế toán Hà Nội góp ý, nên có khảo sát, đánh giá hoặc có thể triển khai thí điểm trước khi thực hiện trên diện rộng. Từ đó, nếu cần sửa đổi gì có thể sửa, tránh được những bất cập trong quá trình thực thi.
Tổng hợp