Theo lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM, khi lái xe tham gia giao thông, người điều khiển phải mang theo các giấy tờ sau đây:
-
- Căn cước công dân/ Giấy chứng minh nhân dân.
- Giấy đăng ký xe hay còn gọi cà vẹt xe.
-
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe.
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định.
-
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Tất cả các loại giấy tờ mà người dân mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải là bản gốc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phù hợp với loại xe mình điều khiển và còn hiệu lực, không thể sử dụng giấy tờ sao in, kể cả sao in có chứng thực của phòng công chứng, UBND cũng không được chấp nhận.
Cũng theo CSGT, riêng với các xe mua thế chấp ngân hàng để vay trả góp, người điều khiển phương tiện cần xuất trình cả giấy đăng ký xe bản sao công chứng, kèm với giấy xác nhận của ngân hàng mới được xem là giấy tờ hợp lệ.
Xuất trình GPLX qua VNeID có được không?
Lãnh đạo một đội CSGT khác tại TP.HCM cũng cho biết, trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm hiện nay, CSGT ghi nhận có trường hợp người dân không mang theo giấy tờ bản chính, nhưng xuất trình tài khoản định danh điện tử VNeID.
“Với các trường hợp như thế này, chúng tôi hiện có thể ghi nhận thông tin số CCCD từ VNeID. Tuy nhiên, với GPLX và đăng ký xe thì hiện vẫn yêu cầu xuất trình bản chính do liên quan đến việc tạm giữ GPLX hay Giấy đăng ký xe với một số lỗi vi phạm. Ví dụ người dân vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tước bằng lái từ 11 – 23 tháng, nếu chỉ xuất trình bằng lái qua VNeID thì CSGT không thực hiện tạm giữ bằng được, mà cần phải có bản chính của bằng lái. Có thể thời gian tới, khi có các hướng dẫn tiếp theo, việc kiểm tra các giấy tờ, cách xử lý vi phạm khi người dân chỉ xuất trình qua tài khoản định danh điện tử sẽ được áp dụng”, CSGT giải thích.
Lãnh đạo đội CSGT này cho hay, bản sao được chứng thực từ bản chính “có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, bản sao được chứng thực chỉ có giá trị thay thế bản chính trong các giao dịch dân sự thông thường.
Còn trong trường hợp CSGT kiểm tra giấy tờ người tham gia giao thông, các loại giấy tờ xe bản sao được chứng thực không dùng để thay thế bản chính. “Người tham gia giao thông phải xuất trình bản chính của các loại giấy tờ khi CSGT yêu cầu kiểm tra vì nhiều lỗi vi phạm hành chính người vi phạm có thể bị tạm giữ giấy tờ xe, tước quyền sử dụng bằng lái có thời hạn”, CSGT nói.
Do đó, bản photo có chứng thực của các loại giấy tờ xe hay bản chụp ảnh không có giá trị thay thế bản chính và nếu người bị kiểm tra không xuất trình được bản chính, có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.