Mức tiêu thụ nhiên liệu tăng cao bất thường là dấu hiệu cho thấy một số hệ thống đang gặp hư hỏng, chủ xe cần chú ý khắc phục để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Hệ thống phun nhiên liệu và đánh lửa gặp hư hỏng
Hệ thống này sẽ bao gồm bugi và kim phun nhiên liệu. Đối với bugi sau một thời gian sử dụng, đầu cực sẽ bị muội than bám vào dẫn tới giảm hiệu quả đánh lửa.
Điều này khiến hỗn hợp nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn, gây giảm công suất động cơ. Để bù lại phần công suất thiếu hụt, hệ thống bắt buộc phải phun thêm nhiên liệu, khiến mức tiêu hao nhiên liệu tăng bất thường.
Kim phun bị tắc nghẽn có thể dẫn tới hiện tượng mức tiêu thụ nhiên liệu tăng cao bất thường. Ảnh minh họa.
Giống như trường hợp bugi bị bám bẩn, khi kim phun bị tắc lượng nhiên liệu phun vào buồng đốt sẽ không được tơi, khiến hiệu quả cháy của hỗn hợp nhiên liệu giảm. Hệ thống bắt buộc phải phun thêm nhiên liệu, khiến mức tiêu hao nhiên liệu tăng lên.
Lọc gió động cơ bụi bẩn
Lọc gió có nhiệm vụ lọc không khí, ngăn ngừa bụi bẩn trước khi đưa vào buồng đốt. Theo thời gian sử dụng, nếu để lọc gió động cơ quá bẩn sẽ vô tình làm cản trở, khiến lượng gió vào buồng đốt ít hơn buộc động cơ phải phun nhiên liệu nhiều hơn để đảm bảo công suất sinh công, gây nên tình trạng xe ngốn nhiên liệu nhiều hơn.
Lọc gió bẩn khiến ô tô tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Ảnh minh họa.
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, người dùng ô tô nên chú ý vệ sinh định kỳ hệ thống lọc gió động cơ sau khi xe vận hành được 5.000km, đồng thời thay lọc gió mới sau 20.000km.
Với các xe đời cũ, thường xuyên sử dụng trong môi trường nhiều bụi bẩn, nên vệ sinh lọc gió sau 3.000 – 4.000km và thay mới sau 15.000km. Ngoài ra, nên thường xuyên kiểm tra hệ thống lọc gió, nếu phát hiện bộ lọc bị rách, ẩm… nên thay thế bằng lọc gió mới.