Khi tôi hỏi tới tình huống nào, vợ tôi cũng nói là thầy dạy mẹo như vậy, nhưng ngoài đường không có các mốc như để mẹo.
Tôi đang đi công tác thì vợ thông báo đã đỗ bằng lái xe, 35/35 lý thuyết, 100/100 thực hành. Nàng rất lấy làm tự hào và hãnh diện vì phụ nữ mà đạt điểm tuyệt đối không phải dễ gặp. Kết thúc đợt công tác, tôi về nhà và thử tay lái của vợ để xem nàng “siêu” như lời nàng nói không.
Đầu tiên, dễ nhất, căn xe làm sao để đi làn trái sát dải phân cách, nhưng không đụng dải phân cách, và cũng không cách quá xa để xe máy có thể luồn lách lên gây nguy hiểm. Và thực tế, nàng luôn chừa khoảng trống một mét tới dải phân cách. Tôi hỏi vì sao, vợ nói vì ở bài thi vệt bánh xe, thầy nói cứ căn người thẳng với cái cây cột phía trước, thì bánh xe sẽ thẳng vệt mong muốn. Nhưng ngoài đời, không có cái cột nào cả.
Lúc này, tôi giải thích, chân trái mình đặt ở đâu, thì ngay bên dưới, phía trước là bánh xe. Vì vậy có thể sử dụng vị trí chân trái để ước lượng khoảng cách từ bánh xe tới dải phân cách. Mới lái thì chừa rộng hơn, quen tay rồi thì sẽ ngày càng đi sát dải phân cách.
Tình huống tiếp theo, đỗ xe dọc. Nàng cũng tiến tới giữa chuồng rồi dừng lại, đánh lái trái để hướng đầu xe ra ngoài và móc lên. Nhưng rất tiếc, khoảng cách ở hầm trung tâm thương mại khá hẹp, nên không thể móc đầu lên để lùi vào như ở sân tập. Nàng loay hoay một lúc, rồi bó tay.
Lúc này, tôi giải thích, tiến xe thẳng về phía trước, cách khoảng 1,5 đến 2 chuồng, rồi hết lái lùi vào, vừa lùi vừa quan sát hai bên. Thừa thiếu bên nào thì mình chữa bên đó. Tôi thấy lạ là các thầy luôn dạy mẹo để “một phát ăn ngay”, mà không dạy quy tắc xe vào như thế nào để dù có lỡ tay, chân thừa thiếu, thì vẫn bình tĩnh mà sửa được. Nhưng như vợ tôi, tình huống không giống trong sa hình, không còn mẹo để nhớ, là “liệt” luôn.
Đến đỗ xe ghép ngang thì còn toát mồ hôi hột hơn nữa. Vợ tôi tiến lên sát chuồng ngang, lấy lái sang trái rồi vách đầu sang hẳn làn ngược chiều (đường nhỏ, không có dải phân cách cứng). Tôi hỏi sao lại làm thế, xe phía sau và xe ngược chiều làm sao đi được, tắc đường. Vợ nói, thầy dạy như vậy vào chuồng dễ hơn.
Nhưng ngoài đời đâu thoáng như sa hình. Tôi lại giải thích, tiến thẳng thân lên trên, hết lái phải rồi lùi dần vào.
Cứ thế, rất nhiều tình huống tôi nhận ra rằng, thứ mà vợ tôi nhận được sau khi bỏ 20-30 triệu học, thi bằng lái là “mẹo để đỗ bài thi”, đó hoàn toàn không phải là dạy kỹ năng để lái được chiếc xe thực tế ngoài đường. Khi bạn không hiểu nguyên lý mà hoàn toàn là học mẹo, học vẹt thì việc bạn không thể áp dụng khi tình huống thay đổi là chuyện dễ hiểu.
Cần phải nói trước, là với nghề lái xe, trăm hay không bằng tay quen, không thể so sánh một người vừa có bằng lái và một người đã lái nhiều năm. Thứ tôi muốn nói ở đây, là cái cách vợ tôi được truyền đạt, nó không phải kỹ năng để hiểu và xử lý tình huống, mà là một cái mẹo, bạn cứ thế làm theo, và không hiểu gì.
Có lẽ, đã đến lúc nhà nước cần thay đổi các sa hình thi bằng lái, thay đổi cách đào tạo đội ngũ thầy dạy lái, để thực sự mỗi người sau khi cầm tấm bằng lái xe, là có thể ra đường ở mức cơ bản, chứ không phải lơ ngơ như lần đầu ngồi sau ghế lái.