Tá hỏa vì “phạt nguội“
Mới đây, anh L. vào web của Cục CSGT tra cứu “phạt nguội“. Trong tâm thế tra cứu cho biết, nhưng anh hoảng hồn khi thấy hệ thống báo anh có 19 lỗi vi phạm. Kiểm tra luật, anh L. cho hay tổng mức phạt có thể lên đến hơn 25 triệu đồng và tước GPLX 2 tháng. “Thời buổi khó khăn, nghĩ tới mấy chục triệu tiền phạt mà rụng rời tay chân”, anh L. thở dài.
Tại Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông trên đường Nguyễn Biểu (Q.5, TP.HCM), nhiều người vi phạm cũng đến làm thủ tục đóng “phạt nguội”, trong đó nhiều người đến khi đi đăng kiểm mới biết bị phạt.
Tranh thủ xin nghỉ 1 buổi, anh Đặng Vũ Tuấn (ngụ H.Bình Chánh) đến đóng “phạt nguội” lỗi quá tốc độ từ 5 – dưới 10 km. “Lỗi vi phạm của tôi là tháng 5, giấy gửi về yêu cầu giải quyết trước ngày 27.7 mà tới 4.8 tôi mới nhận được giấy, hôm nay ngày 8.8 thu xếp đến giải quyết. Giờ nhiều người dùng điện thoại thông minh sao CSGT không thông báo vi phạm trên điện thoại để người dân có hướng xử lý nhanh hơn,” anh Tuấn thắc mắc.
Dính phạt nguội từ camera, gần 70.000 trường hợp ở TP.HCM vẫn chưa nộp phạt
Tương tự, anh Phước (tài xế xe tải) cũng cho rằng, việc gửi giấy thông báo qua đường bưu điện có thể không đến tận tay hoặc đến trễ thì ảnh hưởng đến thời gian đóng phạt theo quy định. “Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên nghĩ cách làm sao để thông báo lỗi vi phạm đến người dân nhanh nhất. Gọi điện thoại, báo qua tin nhắn chẳng hạn”, anh Phước nói.
Tài xế Lê Tấn Ty thì nói thêm: “Mong cơ quan chức năng gửi sớm thông báo “phạt nguội” để người vi phạm biết mà tới đóng cho kịp thời. Chứ chờ tới khi đăng kiểm mới biết, rồi phải qua CSGT để đóng phạt, cầm tờ giải tỏa quay lại nơi đăng kiểm mất thêm mấy ngày. Sao cơ quan chức năng không tự xóa dữ liệu với xe đã nộp “phạt nguội” để đẩy nhanh tiến độ, đỡ mất thời gian”.
Cách nào thay thế chuyện gửi thông báo phạt đường bưu điện?
Từ năm 2020, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) sử dụng phiếu thông tin cho chủ xe/người lái xe vi phạm về dừng, đỗ sai quy định mà không có mặt tại thời điểm kiểm tra. Theo đó, sau khi ghi hình “phạt nguội” CSGT sẽ để lại tờ phiếu thông tin để người vi phạm biết nội dung vi phạm. Đó cũng là một cách để người lái xe biết sớm nhất mình vừa bị phạt.
Tuy nhiên, đến hiện tại, theo tìm hiểu của Thanh Niên, chỉ một số đội CSGT tại TP.HCM còn áp dụng hình thức kẹp phiếu thông tin vào xe sau khi ghi hình xử lý vi phạm, một số đội đã tạm ngưng.
Lý giải điều này, lãnh đạo một đội CSGT cho biết: “Không có quy định bắt buộc CSGT kẹp phiếu thông tin để báo cho chủ xe/người lái xe vắng mặt biết là xe đã bị ghi hình “phạt nguội”. Hiện nay, người vi phạm có thể đóng phạt qua Cổng dịch vụ công hay đến cơ quan cấp xã hoặc cấp huyện nơi cư trú mà không nhất thiết phải đến trụ sở đội CSGT ghi hình lỗi vi phạm”.
Cũng theo vị CSGT này, lỗi dừng, đỗ sai quy định thường lặp đi lặp lại nhiều ở những nơi gần tòa chung cư, khu dân cư đông đúc. Các lỗi vi phạm “phạt nguội” mà nhiều người bị lặp lại và có danh sách dài đến 20 lỗi chủ yếu là: chạy quá tốc độ quy định, dừng đỗ sai quy định.
Anh P.M.L. chia sẻ: “Trong 19 lỗi của tôi thì hết 17 lỗi là đỗ xe không đúng quy định. Đó là nơi tôi hay đỗ xe gần nhà và xung quanh cũng có nhiều người đậu. Nếu được dán phiếu thông báo là đã bị ghi hình “phạt nguội”, tôi đóng phạt ngay và đi tìm chỗ khác đỗ chứ đâu dám đỗ vậy. Bây giờ biết đó là lỗi sai của mình, nhưng tôi mong rằng những lỗi lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ được thông báo để chủ xe điều chỉnh hành vi kịp thời. Đó là dữ liệu chưa cập nhật thêm những ngày cuối tháng 7, thêm nữa chắc phải lên thành 30 – 40 lỗi, nghĩ đến tiền đóng phạt mà rụng rời tay chân”.
Lãnh đạo một đội CSGT giải thích: “Trên QL 1 có gắn nhiều camera tự động bắn tốc độ, khoảng cách giữa các camera đã được cơ quan chức năng tính toán để người tham gia giao thông giảm tốc, điều chỉnh phù hợp. Nhưng trong khi chạy xe, một số người không để ý, chạy nhanh liên tục trên đoạn đường dài, hệ thống sẽ ghi nhận lỗi ở các thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, thói quen đỗ xe uống cà phê mỗi sáng tại nơi có biển cấm đỗ xe hoặc đỗ sai quy định cũng là nguyên nhân khiến người vi phạm bị phạt nhiều lần cùng một lỗi”.
Một chuyên gia nghiên cứu Luật Giao thông cho biết, có nhiều lý do khiến người vi phạm qua hình ảnh chậm nhận được thông báo từ CSGT như: mua bán xe không sang tên đổi chủ, chuyển chỗ ở,… Tuy nhiên, điều này có thể sẽ được gỡ vướng bằng quy định về biển số định danh, tích hợp quản lý theo CCCD của chủ xe theo Thông tư 24 sắp có hiệu lực.
“Cần thiết có một ứng dụng tin tưởng, bảo đảm tránh lừa đảo hoặc đồng bộ trong VNeID để người dân nắm thông tin liên quan “phạt nguội”, cơ quan chức năng cũng đỡ tốn tiền bạc, công sức, kinh phí gửi. Bây giờ công nghệ đã cho phép mình làm nhiều thủ tục thuận lợi hơn cho người dân”, vị này đề xuất. Tuy nhiên, thời gian tích hợp cũng như phương án này có được nghiên cứu xem xét còn tùy thuộc nhiều vào cơ quan chức năng.
Từ 1.1 – 31.7.2023, CSGT TP.HCM gửi thông báo vi phạm qua hình ảnh cho hơn 80.000 trường hợp, nhưng chỉ mới có hơn 11.000 trường hợp đã nộp phạt. Như vậy là còn tới gần 70.000 trường hợp bị “phạt nguội” chưa đi nộp phạt, trong đó có những xe ghi nhận vi phạm nhiều lần với cùng một lỗi.
Hiện nay, CSGT TP.HCM theo dõi được hình ảnh từ 530 camera đường phố để giải quyết ùn tắc, điều hòa giao thông và giám sát khi xuất hiện lỗi vi phạm. Ngoài ra, các camera chuyên biệt, tự động cập nhật lỗi vi phạm về hệ thống được gắn ở khắp các tuyến đường lớn như: QL 1, Võ Văn Kiệt, Xa lộ Hà Nội, QL 22,… Bên cạnh đó, các đội CSGT cũng có lực lượng cầm camera đi ghi hình lưu động để xử lý vi phạm qua hình ảnh.
Ghi nhận tại hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên Quốc Lộ 1, đoạn qua TP.HCM do Cục CSGT đầu tư cho thấy hình ảnh sắc nét, có độ phân giải cao, hình ảnh ghi nhận được qua hệ thống bảo đảm các yếu tố pháp lý và nghiệp vụ… là căn cứ để xử lý vi phạm.
Ngay khi ghi nhận hành vi vi phạm, hệ thống lập tức hiển thị biển số xe, thông tin chủ xe, lỗi vi phạm và lưu lại hình ảnh.
Tra cứu “phạt nguội” thế nào?
Người dân có thể tra cứu phạt nguội chính xác nhất bằng cách vào website của Cục CSGT tại địa chỉ https://www.csgt.vn. Ngay tại góc phải màn hình trang chủ có phần tra cứu vi phạm qua hình ảnh, người dân chỉ cần nhập biển số xe, mã bảo mật và bấm tra cứu.
Riêng với các xe tại TP.HCM cũng tra cứu từ website của Cục CSGT, nhưng để tra cứu các lỗi từ trước ngày 21.5.2022, người dân phải vào website của Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), chọn mục Tra cứu, chọn tiếp vi phạm qua hình ảnh và nhập biển số, mã bảo mật sau đó chờ kết quả.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ta-hoa-biet-bi-phat-nguoi-19-loi-tien-phat-chuc-trieu-thac-mac-cach-gi-biet-ngay-minh-vua-bi-phat-185230808174917906.htm