Thay vì chỉ sử dụng thanh toán qua trạm BOT, khi chuyển từ tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông, chủ phương tiện sẽ thanh toán được các dịch vụ giao thông khác như phí gửi xe, đăng kiểm…
Từ 1/10/2025, chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông
Tại hội thảo “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông” do Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức vào chiều 30/9, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Luật Đường bộ quy định riêng Điều 43 về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Theo đó, thanh toán điện tử giao thông đường bộ bao gồm các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.
Để triển khai Luật Đường bộ, Bộ GTVT đang gấp rút xây dựng Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ (GTĐB).
Theo dự thảo nghị định, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông sẽ gồm: Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ làm nhiệm vụ phát hành thẻ đầu cuối, mở tài khoản giao thông, kết nối, xác định chi phí và thực hiện thanh toán đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc.
Và nhà cung cấp dịch vụ có nhiệm vụ kết nối tài khoản giao thông đến hoạt động giao thông của phương tiện như: Giá dịch vụ trông đỗ xe, lệ phí đăng kiểm,…
Mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.
Chủ phương tiện phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Nếu không sẽ không được đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc hoặc phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ.
Về lộ trình triển khai, ông Toàn cho biết, dự kiến từ ngày 1/10/2024 khi nghị định có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Và từ 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Trong giai đoạn chuyển tiếp từ 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Cần có một hệ thống vé điện tử giao thông liên thông
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Thanh toán, NAPAS cho biết, trên thế giới hiện các nước hầu hết đã chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông account – based/open-loop (sử dụng một tài khoản thay vì sử dụng thẻ như trước đây).
“Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn, sau mùa mưa lũ vừa qua, khi muốn khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, nếu giảm giá vé thì các đơn vị vận tải sẽ phải triển khai loại phí mới trên tất cả các đầu đọc thẻ.
Nhưng với hệ thống account – based, chỉ cần thay đổi một tham số qua một nút bấm, toàn bộ cơ chế phí mới sẽ được ứng dụng với tất cả giao dịch”, ông Tùng dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, tại Việt Nam còn nhiều khó khăn trong phát triển thẻ vé như các phương tiện chưa liên thông; không tối ưu được nguồn lực xã hội, chưa có tiêu chuẩn thẻ vé chung. Đặc biệt vẫn còn tình trạng người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc có nhiều thẻ, để nạp tiền, người dân phải nạp tại quầy thanh toán.
Do đó, để phát triển thẻ vé thông minh trong giao thông, ông Tùng đề xuất mỗi thành phố, tốt nhất là mỗi quốc gia nên có một hệ thống thẻ vé điện tử liên thông sử dụng cho tất cả đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng bao gồm bus, metro. Bên cạnh đó nên hỗ trợ việc sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Lê Minh Quốc cho rằng, để đơn giản và thuận tiện cho người dân, không cần thiết phải tách bạch các tài khoản riêng, mà có thể gộp chung các tài khoản thanh toán như đưa về thanh toán qua ngân hàng.
“Đối với người dân, điều quan trọng là dịch vụ “ngon, bổ, rẻ” và làm sao cần tinh gọn việc thanh toán mà vẫn đảm bảo an ninh, vừa đảm bảo kinh tế”, ông Quốc nhấn mạnh.