Trước những hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 gây ra tại Quảng Ninh, ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp có mặt tại địa phương để chia sẻ, động viên các đơn vị, tổ chức cùng toàn thể nhân dân, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão. Cùng đi có các đồng chí đại diện lãnh đạo bộ, ngành Trung ương. Đón và đi cùng đoàn công tác của Thủ tướng, về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống bão và thiệt hại tại Quảng Ninh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định: Đây là cơn bão lớn nhất trong nhiều năm qua xảy ra trên địa bàn tỉnh, có cường độ tăng nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, diện rộng.
Trong tình hình đó, tỉnh đã kích hoạt phương án, nhiệm vụ phòng chống bão ở mức cao nhất, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác ứng phó với cơn bão số 3, huy động gần 3.000 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai cùng hơn 100 phương tiện. Tuy nhiên, những thiệt hại do bão số 3 gây ra là rất nặng nề.
Theo thống kê ban đầu, Quảng Ninh có 3 người chết, 157 người bị thương, hệ thống thông tin liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được, mất điện diện rộng. Đặc biệt, nhiều phương tiện là tàu, thuyền đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bị trôi dạt. Ngay trong cơn bão, các lực lượng thường trực tại tỉnh đã gấp rút tổ chức tìm kiếm trên quy mô lớn, cứu được 46 người, công tác rà soát, tìm kiếm người bị nạn vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Về tài sản, thống kê sơ bộ tại các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bày tỏ cảm ơn đối với sự quan tâm, chỉ đạo hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cùng lực lượng vũ trang. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong công tác khắc phục thiệt hại từ cơn bão; có hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai các dự án, công trình khẩn cấp; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực và các đơn vị viễn thông ưu tiên hỗ trợ, xử lý sớm tình trạng mất điện, mất mạng viễn thông để nhân dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị các ngành liên quan thực hiện đầu tư, nâng cấp đê Hà Nam hiện đang xuống cấp để đảm bảo an toàn cho hơn 60.000 hộ dân trên 8 xã của TX Quảng Yên; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các công trình trên biển, trên đất liền có thể chịu đựng được cấp bão cao như cơn bão số 3, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trực tuyến sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ tạm thời cho Quảng Ninh 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mong muốn được nhường hỗ trợ này cho các địa phương khu vực miền núi phía Bắc đang gặp khó khăn do mưa lũ và sạt lở. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tự cân đối từ các nguồn lực dự trữ, dự phòng theo quy định chung.
Sau khi trực tiếp đi nắm bắt tình hình, thăm hỏi người dân bị thiệt hại và động viên các lực lượng quân đội, công an, thanh niên, công nhân môi trường đô thị… đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước tới tỉnh Quảng Ninh và người dân, các gia đình có người thân thiệt mạng, bị thương, thiệt hại tài sản.
Thủ tướng đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh trong ứng phó bão; hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; các lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên… đang tích cực tham gia dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão gây ra.
Đồng chí nhấn mạnh: Cơn bão có cường độ rất mạnh, hiện trường cho thấy hậu quả do bão gây ra rất lớn, thiệt hại về tài sản vượt xa các cơn bão khác. Tỉnh Quảng Ninh đã vừa phòng chống, vừa triển khai công tác khắc phục, song hậu quả bão lớn nên việc triển khai các công việc phải tính cả trước mắt và lâu dài.
Nhấn mạnh quan điểm không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh thiếu nơi khám chữa, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu sớm ổn định tình hình, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường; cứu chữa những người bị thương, bị nạn, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự chu đáo cho những người xấu số; chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão, lũ lụt, sạt lở…; tất cả học sinh phải được tới trường sớm, những nơi đã an toàn thì đi học ngay; những người bệnh phải được cứu chữa kịp thời.
Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục hậu quả bão, gồm cả lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, nhất là thực hiện khối lượng công việc rất lớn trong dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng huy động lực lượng quân đội ở tất cả các tỉnh, thành phố, địa phương gần nhất tham gia các công việc có thể làm được.
Tập đoàn EVN nhanh chóng khôi phục việc cấp điện, các tập đoàn viễn thông khôi phục thông tin liên lạc trong những ngày tới. Các ngân hàng nghiên cứu phương án cho vay, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan chức năng nghiên cứu miễn, giảm, giãn… thuế, phí, lệ phí với người dân và doanh nghiệp. Ngành giao thông khẩn trương khôi phục các đoạn đường sạt lở, sụt lún, bảo đảm giao thông thông suốt.
Thủ tướng giao lãnh đạo các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể các địa phương về cơ chế đặc thù để khắc phục hậu quả thiên tai trong điều kiện khẩn cấp, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chỉ định thầu, mua sắm trong điều kiện khẩn cấp, giao các địa phương triển khai, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ với các hộ nông dân nuôi trồng thuỷ sản.
Cùng với đó, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, bảo đảm sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế.
Về các kiến nghị, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất liên quan nâng cấp đê Hà Nam. Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần tương thân tương ái, phát động phong trào nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn vì thiệt hại do bão số 3.
Đến thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng ân cần thăm hỏi, tặng quà động viên những bệnh nhân bị thương do bão số 3; mong các bệnh nhân yên tâm điều trị, tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện sẽ nỗ lực hết sức chăm sóc để các bệnh nhân sớm hồi phục và trở về nhà.
Thủ tướng đề nghị tỉnh có hình thức khen thưởng, động viên phù hợp đối với những người bị thương do tham gia ứng phó, cứu nạn trong bão số 3.
https://baoquangninh.vn/thu-tuong-chinh-phu-chi-dao-khac-phuc-bao-so-3-tai-quang-ninh-3317949.html?fbclid=IwY2xjawFKp-dleHRuA2FlbQIxMAABHdfawHuzjoeFWJBqQzWs5C0UIMlBAHysfmQbls-Vha1z3h-GJ_TgiXm-uA_aem_IVLH2XEJMN8osruWtaO5pA