Theo các chuyên gia, việc kiểm định lần đầu đối với xe ô tô mới không đơn thuần chỉ kiểm tra kỹ thuật mà còn “khai sinh” phương tiện.
Chỉ nên giảm hạng mục kiểm tra
Liên quan đến đề xuất của Cục CSGT về việc miễn kiểm định lần đầu cho xe ô tô mới (trước khi đăng ký xe, còn các chu kỳ kiểm định sau đó thực hiện bình thường), trao đổi với Báo Giao thông, đại diện một đại lý xe ô tô tại Hà Nội cho rằng, chỉ có thể giảm hạng mục kiểm tra còn không nên miễn hẳn thủ tục đăng kiểm lần đầu. Bởi theo quy trình hiện nay, xe mới sau khi đăng ký tại cơ quan công an phải lập hồ sơ quản lý (thông tin phương tiện, chủ xe) và nộp phí bảo trì đường bộ.
Xe ô tô biển số tỉnh Hải Dương, đăng kiểm lần đầu tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội
Cục CSGT vừa có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu để người dân, tổ chức tại các huyện đảo được phép miễn kiểm định lần đầu trước khi thực hiện đăng ký hay cần miễn kiểm định với xe sản xuất mới.
Theo cơ quan này, các phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi bán ra thị trường.
Do vậy, Cục Đăng kiểm VN cũng cần xem xét để miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu đối với các phương tiện cơ giới đường bộ mới xuất xưởng, còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.
“Trước khi xuất xưởng xe mới đã được cấp chứng nhận chất lượng kỹ thuật, nhưng để tham gia giao thông còn phải lập hồ sơ để quản lý quá trình bắt đầu và trong thời gian tồn tại của xe. Kiểm định lần đầu không nhất thiết phải đầy đủ các hạng mục như xe đang lưu hành, nhưng vẫn cần thực hiện và có thể chỉ cần kiểm tra một số thông tin cơ bản như số khung, số máy để lập hồ sơ phương tiện”, vị này nói.
Ngoài ra, vị này cũng bày tỏ băn khoăn đối với trường hợp xe mới nhưng có thời gian từ khi xuất xưởng đến khi đăng ký, đăng kiểm lần đầu kéo dài.
“Xe nhập khẩu có thời gian dài vận chuyển trên biển, lưu kho bãi hay xe sản xuất trong nước mà tồn kho quá 6 tháng mới đăng ký có thể phát sinh khiếm khuyết kỹ thuật. Nếu không kiểm định lần đầu sẽ có thể có rủi ro kỹ thuật”, vị này nêu và cho rằng nếu xe tồn kho quá 6 tháng mới đăng ký thì nên kiểm định lần đầu như hiện nay.
TS.Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng bày tỏ không đồng tình với việc miễn hoàn toàn kiểm định lần đầu bởi lo ngại gây ra lỗ hổng quản lý an toàn chất lượng xe khi tham gia giao thông.
“Nói dễ hiểu là xe ô tô phải được cấp, gắn biển số đăng ký và dán tem đăng kiểm mới được chạy trên đường. Biển số xe có thời hạn lâu dài, còn tem đăng kiểm (và giấy chứng nhận đăng kiểm) chỉ có thời hạn nhất định.
Tem đăng kiểm nhằm xác nhận số khung, số máy phương tiện và thời hạn xe phải kiểm định lại, là căn cứ để cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát đối với chất lượng phương tiện trong quá trình tham gia giao thông. Nếu bỏ việc kiểm định lần đầu sẽ không có căn cứ để quản lý thời hạn kiểm tra lại chất lượng xe khi tham gia giao thông”, ông Tạo nói.
“Khâu đăng ký và đăng kiểm lần đầu có thể làm trước hoặc làm sau, có thể gắn biển số xong rồi đăng kiểm hoặc ngược lại để tạo thuận lợi cho chủ xe.
Các cơ quan quản lý nên có cách thức phối hợp chặt chẽ để thuận lợi nhất cho người dân mà vẫn đảm bảo về an toàn kỹ thuật phương tiện, đặc biệt ở vùng biển đảo hay vùng sâu, vùng xa”, ông Tạo nói thêm.
Cũng theo chuyên gia này, xe ô tô mới đã được kiểm định chất lượng trong quá trình sản xuất, khi xuất xưởng hay nhập khẩu. Vì vậy, chỉ nên giảm kiểm tra một số hạng mục kỹ thuật (chẳng hạn như đèn chiếu sáng, dây đai an toàn…) để tránh kiểm tra kỹ thuật hai lần.
Thông tin về việc xe mới đăng kiểm lần đầu, theo đại lý xe và một số trung tâm đăng kiểm, hầu hết chủ xe ở các huyện đảo, vùng sâu, xa trung tâm đô thị, sau khi mua xe đều thuê đại lý bán xe đăng kiểm lần đầu ở khu vực mua xe. Sau đó, đưa xe về địa phương sử dụng, lưu hành.
Về phía trung tâm đăng kiểm, lãnh đạo một số đơn vị đăng kiểm tại Quảng Ninh, Hải Phòng (nơi có huyện đảo) cho rằng, xe được đăng kiểm lần đầu không đơn thuần là sự xác nhận về chất lượng kỹ thuật mà còn là bước “khai sinh” giấy tờ để quản lý suốt thời gian tồn tại của phương tiện.
“Xe mới và được sản xuất trong vòng 2 năm, khi kiểm định lần đầu được giảm một số hạng mục kiểm tra (chẳng hạn như khí thải) so với xe đang lưu hành. Xe ở các huyện đảo khi mua mới đều đăng ký, đăng kiểm ở đất liền sau đó đưa ra hoạt động ở đảo. Các địa phương đều có nhiều trung tâm đăng kiểm nên quá thuận tiện cho việc đăng kiểm lần đầu.
Thời hạn của chứng nhận đăng kiểm lần đầu là dài nhất, như xe ô tô con là 2,5 năm. Nếu bỏ đăng kiểm lần đầu sẽ gây khó khăn cho quản lý trong quá trình xe lưu thông, trong đó có việc xác định trách nhiệm khi xảy ra tai nạn, sự cố kỹ thuật hoặc liên quan đến vi phạm pháp luật khác”, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hải Phòng nói.
Khá phổ biến các trường hợp xe ô tô mới, biển số các địa phương thực hiện đăng kiểm lần đầu tại Hà Nội
Có nên giao cơ sở bảo hành kiêm đăng kiểm?
Cùng với đề xuất trên, Cục CSGT đồng thời đề nghị đa dạng hóa các hình thức kiểm định, với việc thay vì chỉ giao cho các trung tâm đăng kiểm, nghiên cứu để giao việc kiểm định cho các cơ sở bảo dưỡng, bảo hành chính hãng đủ điều kiện theo quy định.
Theo ông Khương Kim Tạo, đề xuất trên không thiết thực vì thực tế dịch vụ kiểm định đang được xã hội hóa mạnh mẽ.
“Đề xuất này là thừa vì chúng ta đang làm cái này rồi. Việc xã hội hóa dịch vụ kiểm định đang được triển khai từ mấy năm nay, với nhiều trung tâm đăng kiểm được doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành.
Với cơ chế này, một cơ cơ bảo hành ô tô nếu đáp ứng đủ các điều kiện nhân lực, vật lực hoàn toàn có thể đăng ký để được cấp phép làm dịch vụ kiểm định ô tô. Nếu để một ga ra ô tô không đủ điều kiện tham gia công tác kiểm định là không hợp lý”, ông Tạo nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, hầu hết lãnh đạo các đơn vị đăng kiểm không ủng hộ việc đơn giản hóa hơn nữa yêu cầu dịch vụ kiểm định xe ô tô, nhằm ngăn ngừa mất kiểm soát về phương tiện và chất lượng an toàn kỹ thuật xe ô tô.
“Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã mở cửa thông thoáng cho việc đầu tư, tham gia dịch vụ đăng kiểm xe ô tô. Hiện không giới hạn việc thành lập trung tâm đăng kiểm, hiện trung tâm đăng kiểm gia tăng nhanh và thực tế chỉ sau một thời gian đã phát sinh một số mặt trái, cạnh tranh không lành mạnh.
Dịch vụ kiểm định gắn liền với phục vụ quản lý nhà nước, như thu phí đường bộ, hỗ trợ kiểm soát xe vi phạm giao thông, xe liên quan đến vi phạm pháp luật… Vì vậy, không nên đơn giản hơn nữa điều kiện tham gia dịch vụ đăng kiểm xe ô tô”, giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Sơn La nêu vấn đề.
Phía Cục Đăng kiểm VN, trao đổi với Báo Giao thông, cơ quan này cho biết đã nhận được văn bản của Cục CSGT và đang nghiên cứu, xem xét để có trả lời, thông tin chính thức.
Đăng kiểm lần đầu được thực hiện thế nào?
Theo Thông tư số 16/2021 của Bộ GTVT, xe ô tô kiểm định lần đầu để tham gia giao thông được thực hiện tại đơn vị đăng kiểm xe cơ giới. Khi đưa xe đến, chủ xe hoặc người đến làm thủ tục xuất trình, nộp một số giấy tờ để lập hồ sơ phương tiện: xuất trình giấy đăng ký (hoặc giấy biên nhận giữ bản chính) hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe.
Nộp bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý); nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT xe cơ giới cải tạo đối với trường hợp xe cơ giới mới cải tạo.
Xe mới, có thời gian sản xuất 2 năm trở lại, khi đăng kiểm lần đầu được miễn kiểm tra khí thải.