“Xuyên suốt chuyến đi, hầu hết mấy bố con đều sinh hoạt trên xe, nhất là những địa điểm đẹp ven biển, trên núi. Thỉnh thoảng, tôi có mời hai bố ra khách sạn nghỉ ngơi để thoải mái hơn, giữ sức cho hành trình dài”, anh Vinh chia sẻ. “Trái với những lo lắng ban đầu, hai bố đều rất khỏe, hứng khởi và hài lòng với chuyến xuyên Việt. Nhiều đoạn đường, bố đẻ tôi còn trực tiếp lái ngôi nhà di động này để trải nghiệm cũng như nhớ lại ký ức thời lái xe chiến trường”, anh kể thêm.
Anh Vinh lên ý tưởng và chuẩn bị cho chuyến xuyên Việt trong gần 1 năm. Tháng 1/2024, sau thời gian tìm hiểu, anh đặt mua một bộ thiết bị được gọi là “nhà di động” chuyên dùng cho xe bán tải, trị giá hơn 300 triệu đồng. Sản phẩm này được thiết kế bởi một công ty của Đức và sản xuất tại Trung Quốc.
“Trong những chuyến du lịch nước ngoài trước đây, nhất là khi tới Trung Quốc, tôi bị thu hút bởi những ngôi nhà di động tiện lợi. Đây là phong trào du lịch phát triển khá mạnh và đang dần phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi mong muốn tìm một sản phẩm đảm bảo đúng luật giao thông, có kiểm định, chứng nhận đầy đủ và thuận tiện tháo lắp. Do đó thời gian tìm hiểu khá lâu”, anh Vinh cho biết.
“Căn chung cư” tiện nghi trên chiếc xe bán tải
Phần “nhà” của chiếc xe bán tải thực tế là một chiếc thùng thiết kế dạng chữ L nằm ngược, chế tạo từ nhôm nguyên khối, kết hợp các vật liệu khác, với độ dày từ 3-4 lớp. Khối lượng của “nhà” trên 500kg với chiều cao, chiều rộng đúng tiêu chuẩn dành cho xe bán tải tham gia giao thông tại Việt Nam. Theo anh Vinh, thời gian tháo lắp thiết bị này trên xe chỉ khoảng 5-10 phút vì sử dụng 4 chân thủy lực được thiết kế sẵn. Nhà di động giống như thùng hàng đặt trên xe bán tải, kết nối bằng tăng cáp xiết 4 góc, không can thiệp vào kết cấu xe.
Anh Vinh cho biết, không gian sống trên xe có kích thước khoảng 3,1mx1,8mx1,380m. Khi mở phần lều lóc chiều cao được nâng lên hơn 2,1m, đủ để người lớn có thể đứng thoải mái bên trong. Phần lều này được làm từ vải chống thấm nhiều lớp, có khả năng chống chịu mưa lớn, cách nhiệt tốt và có 4 cửa sổ để lấy gió đồng thời giúp người sử dụng có thể ngắm khung cảnh bên ngoài.
Phần “nhà” trên xe cũng thiết kế sẵn mái hiên di động, có thể đóng mở bằng điều khiển để che mưa, nắng khi dã ngoại.
Theo anh Vinh, chiếc thùng xe cung cấp nhiều tiện nghi như một căn chung cư thu nhỏ. Hệ thống dự trữ 4kW điện, đủ để phục vụ các thiết bị như điều hòa, đèn, quạt, tủ lạnh 25l, ổ sạc điện thoại… và bình chứa nước sạch 60-80l.
“Điện trên ngôi nhà này có thể sạc bằng 3 cách khác nhau như sử dụng hệ máy phát điện từ xe, điện lưới hay pin mặt trời. Nếu dùng đồng thời 3 cách trên thì chỉ mất 4-5 giờ là sạc đầy”, anh Vinh cho biết. Trong khi đó, bình chứa nước sạch có thể tiếp nước từ bên ngoài rất dễ dàng và thiết kế tối ưu để tránh rung động khi xe di chuyển.
“Khi dừng xe, tôi sẽ mở phần lều nóc. Một chiếc xe có thể đủ chỗ cho 4 người lớn ở thoải mái. Bên ngoài xe có thể dùng bạt quây để làm nhà tắm di động có vòi hoa sen, đèn chiếu sáng”, anh Vinh cho hay.
“Du lịch du kích”: Ăn ngủ ven biển, giữa rừng
Anh Vinh chia sẻ, bố đẻ của anh – ông Nguyễn Văn Quang vốn là một người lính lái xe. Ông luôn ấp ủ ước mơ được đi một chuyến xuyên Việt, ngắm trọn vẹn đất nước. Dịp này, khi bố vợ và anh vợ anh Vinh từ Đồng Nai ra chơi, anh quyết định sẽ đưa hai người bố và anh vợ vừa du lịch xuyên Việt vừa trở về quê.
Hành trình từ Bắc vào Nam, gia đình lựa chọn cung đường qua các tỉnh Tây Nguyên, trải nghiệm cắm trại giữa rừng núi Măng Đen và Đà Lạt. Khi trở về, anh Vinh lái xe qua cung đường ven biển, cùng bố ăn, ngủ, ngắm bình minh Phan Thiết, Phú Yên…
Đi tới đâu, gia đình anh Vinh đặt mục tiêu thưởng thức đặc sản vùng miền nơi đó. Huế là nơi có ẩm thực phong phú, rẻ và hợp khẩu vị gia đình nhất.“Trung bình mỗi ngày tôi di chuyển 200-300km. Khi lắp hệ thống nhà di động, chiếc xe bán tải đi đầm và êm hơn, do đó hai bố khá thoải mái. Giờ ăn trưa, ăn tối, tôi có thể mua đồ ở các chợ dân sinh, nhà hàng rồi tìm một nơi vị trí đẹp, kéo mái hiên, hạ bàn ghế để ngồi thưởng thức, ngắm cảnh. Hai bố rất thích kiểu du lịch dã chiến như thế này”, anh Vinh kể.
Anh Vinh cho biết, chiếc xe đi tới đâu cũng gây chú ý, được nhiều người hỏi thăm thông tin, tìm hiểu cấu tạo. Anh sẵn lòng chia sẻ với họ, tham gia các buổi giao lưu xe. “Nhà tôi cũng từng sắm đồ để cắm trại nhưng sử dụng nhà di động thế này tiện lợi hơn rất nhiều”, anh Vinh cho biết. Trong hành trình, chiếc xe cũng gặp một số sự cố nhỏ như thủng lốp, vấn đề về hệ thống giảm xóc… “Nhìn chung chuyến đi rất an toàn, mọi sự cố đều có thể khắc phục. Từ sự cố tôi cũng rút ra kinh nghiệm để trong năm nay có thể đưa vợ, 2 con nhỏ tham gia các chuyến du lịch bằng nhà di động”, anh Vinh cho biết.Tổng chi phí xuyên Việt trên nhà di động của gia đình 4 người lớn chỉ khoảng 20 triệu đồng. Ảnh: NVCC