Biển số xe định danh là gì?
Biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số được cấp theo quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA. Biển số xe định danh được gắn vào các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô, xe tải, xe buýt, xe máy kéo; giúp định danh mỗi phương tiện cụ thể. Thông qua đó, cơ quan chức năng có thể dễ dàng theo dõi và xử lý các vi phạm giao thông.
Mỗi biển số chứa các thông tin như khu vực đăng ký, năm đăng ký, số thứ tự và có thể có các ký tực khác để phân biệt giữa các phương tiện.
Theo Thông tư 24/2023/TT-BCA, biển số xe được cấp và quản lý dựa trên mã định danh của chủ xe. Điều này giúp tăng cường hiệu quả trong việc quản lý, giám sát các phương tiện giao thông.
Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định mỗi công dân Việt Nam có một số định danh cá nhân gồm 12 số tự nhiên, thể hiện các thông tin gồm thế kỷ sinh, giới tính, năm sinh, nơi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, số định danh cá nhân này không phải là biển số xe định danh. Biển số định danh không phải 5 số đầu hay 5 số cuối của số định danh cá nhân (hay số thẻ Căn cước/CCCD). Số định danh cá nhân chỉ là thông tin để quản lý việc cấp biển số xe định danh.
Với xe đăng ký trước ngày 15/8/2023 là biển 5 số thì đó là biển số định danh của chủ xe.
Với xe đăng ký sau ngày 15/8/2023 thì biển số được đăng ký mới là biển số định danh của chủ xe.
Biển số định danh không áp dụng với biển 3 số và biển 4 số (theo quy định của Thông tư 24/2023/TT-BCA). Xe đã đăng ký và có biển 3 số hoặc 4 số vẫn được lưu thông nhưng muốn cấp biển số định danh thì phải làm thủ tục thu hồi biển số xe cũ và cấp đổi sang biển 5 số để quản lý theo định danh cá nhân.
Không đăng ký biển số xe định danh có bị phạt không?
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt nếu không đăng ký biển số xe định danh.
Tuy nhiên, trong trường hợp chuyển quyền sở hữu, việc sang tên xe là bắt buộc để đảm bảo thông tin chủ sở hữu mới của phương tiện được cập nhật chính xác. Việc này vừa giúp việc quản lý phương tiện thuận lợi hơn mà còn xác định rõ trách nhiệm với chủ sở hữu phương tiện, tránh những rủi ro pháp lý liên quan đến việc sử dụng xe không chính chủ.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong vòng 30 ngày kể từ khi hoàn thành giấy tờ chuyển quyền sở hữu, nếu không thực hiện thủ tục sang tên, người sử dụng xe có thể bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với xe máy và từ 2 đến 4 triệu đồng đối với ô tô.