Chỉ sử dụng một phanh, không chuyển số hay đi quá chậm đều khiến xe nhanh hỏng và gây nguy hiểm khi vận hành.
Có hôm tôi đến mượn xe số của một bạn nữ, thấy nhông xích mòn hết, má phanh nghe tiếng “kít kít”, xích nghe “cạch cạch”, dầu máy thì đen xì, chạy rất ỳ. Tôi bảo bạn ấy đại tu xe đi không thì quá muộn. Tôi hỏi bạn ấy đi như thế nào mà để xe mới mua nửa năm đã “tã” thế này. Câu trả lời của bạn khiến tôi suýt “ngất”.
Dưới đây là một trong những thói quen mà bạn tôi mắc lỗi, cũng là thói quen xấu khi đi xe số làm xe máy nhanh hỏng:
Thứ nhất, chỉ sử dụng một phanh. Nhiều người đi xe số chỉ sử dụng phanh chân hoặc phanh tay. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nếu đi vào địa hình không thuận lợi sẽ dễ bị trượt bánh. Nếu phanh mỗi chân sau, phía trước bánh vẫn quay mà phía sau có lực chống lại sẽ khiến bánh trước dễ bị trượt nhẹ, tuy vậy cũng đỡ nguy hiểm hơn là dùng mỗi phanh trước.
Nhiều người vì tay thuận là tay phải đã bóp phanh trước dẫn đến bánh trước có lực chống lại trong khi bánh chủ động (bánh sau) vẫn quay khiến xe trượt cả phần thân, tức là dễ khiến cho người ngồi sau ngã ra đường. Tốt nhất là phanh bánh sau trước rồi sau đó bóp nhẹ phanh bánh trước thì lực phanh sẽ phân bố đều với phanh chủ đạo là phanh bánh sau. Không dùng đồng thời 2 phanh ngay lập tức dễ bị xảy ra trường hợp là ăn bánh trước rất nguy hiểm.
Thứ hai, đặt chân lên phanh khi xe ổn định, vừa đi vừa phanh. Phanh và ga vốn là 2 bộ phận trái ngược hoàn toàn về tác dụng. Không thể vừa phanh vừa ga được. Một số người đi đến 40 km/h mà đèn phanh vẫn sáng rõ. Việc làm này khiến động cơ phải làm việc nhiều hơn, hao tổn nhiên liệu hơn do cần nhiều lượng nhiên liệu để chống lại lực phanh, dễ khiến cho máy bị quá nóng. Nguy hiểm hơn là cọ má phanh liên tục rồi dần dần phanh sẽ kém hiệu lực do quá nóng.
Cách tốt nhất là “không ga thì phanh, không phanh thì ga”. Khi xe ổn định hẳn thì ta bỏ chân phanh ra bên cạnh để lái. Tuy nhiên, vẫn có người phản bác rằng tôi đặt chân lên phanh sẽ an toàn hơn vì có gì còn có thể phanh ngay. Tất nhiên ý kiến này cũng đúng nhưng sẽ ra sao nếu bất ngờ dẫn đến phanh và ga cùng một lúc, chắc chắn cái xe máy sẽ xoay compa chứ nhỉ. Kể cả đặt chân lên thì có lực nhỏ tác động cũng đã khiến phanh xe hoạt động khiến má phanh nhanh mòn. Tốt nhất là nếu ổn định hẳn thì bỏ chân ra ngoài, không ga nữa thì đặt lại chân lên phanh, tránh nhầm lẫn.
Thứ ba, lạm dụng phanh. Có một số thanh niên mới lớn rất “húng”, phóng rất nhanh, quá tốc độ cho phép đền vài chục km/h là chuyện thường. Rồi đến lúc cần dừng lại quá tự tin vào hệ thống phanh của mình. Thế là người ngồi sau (nếu có) gần như bay về đằng trước. Điều này là cực kỳ hại phanh vì phanh phải làm việc quá sức để hãm xe lại.
Nếu sắp dừng thì nhấp nhả dần dần chân phanh cho đến ngưỡng dừng hẳn lại. Cũng may là phanh xe máy khác với ôtô là nếu đang đứng yên, nhả phanh xe không chạy. Đi trên đường đèo tôi vẫn thấy ai đó phanh đỏ sáng liên tục khi đổ dốc. Trời ơi, tôi phải quát to lên rằng về số đi để xe ghìm, nhưng bạn ấy kiểu sợ xe gào to. Hậu quả là mất phanh thật, may mắn là có đường cứu nạn ngay đó. Đi xe số có cái lợi thế là phanh động cơ, hãy dùng số thấp để ghìm máy lại, tránh dùng phanh nhiều.
Thứ tư, lười sang số. Có thể thấy tình trạng này xảy ra nhiều nhất là ở các bạn nữ. Nhưng cũng do ngày xưa khi học lái xe chỉ biết giữ thăng bằng với số 4 là đi ra đường được. Theo nguyên tắc, số 1 có bánh răng lớn, chính vì thế quãng đường quay bánh răng chỉ cần ít vòng là xe có thể lăn bánh, xích xe móc vào bánh răng, càng xa tâm bánh răng lực kéo càng khỏe nên xe mới khởi hành khỏe được.
Nhưng do quay ít vòng nên số thấp chạy rất chậm. Càng số cao bánh răng càng nhỏ, lực kéo càng yếu nhưng chạy càng nhanh do quay nhiều vòng hơn. Lâu dài sẽ tốn nhiên liệu do phải bơm nhiều nhiên liệu để kéo xe lên, không tận dụng nguyên lý mô-men lực của các bánh răng. Rồi động cơ cũng tổn thọ do máy cứ phải làm việc trong trạng thái yếu.
Cơ chế số xe là như vậy, nhưng họ lười sang số nên là cái xe họ cứ phải rồ ga lên mới đi. Thế này tiền xăng đâu cho đủ khi mà tốn xăng phụ thuộc vào mức ga. Rồi lúc họ cần lên dốc họ không leo nổi, không ít vụ đuối đà ngã xe cũng là do lười về số để tăng lực kéo xe. Lúc cần vượt, cái xe của họ cứ như là kéo mãi không lên nổi vậy. Nguy hiểm hơn là lúc đổ đèo rà phanh liên tục như tôi đã nói ở trên. Lời khuyên dành cho các bạn rằng, hãy khởi hành tuần tự 1, 2, 3, 4. Đi số phụ thuộc vào tốc độ xe chạy, tốc độ tỷ lệ thuận với số.
Thứ năm, đi quá chậm. Nhiều người cứ bảo đi chậm là an toàn, thành ra đi chắn ngang giữa đường gây cản trở xe sau. Không chỉ cản trở mà còn hại xe, máy phải làm việc quá tải dẫn đến nhanh nóng xe hơn. Khi đi nhanh với xe số thì nó làm mát bằng khí sẽ càng hiệu quả hơn. Chưa kể nhiên liệu còn không được đốt hết dẫn đến tốn xăng hơn. Nên khắc phục là bạn hãy đi nhanh lên một chút nếu đường thoáng.
Thứ sáu, lười bảo dưỡng, lười thay phụ tùng định kỳ. Nhiều bạn chỉ biết nhảy lên xe chạy, lúc hỏng xe mới mang đi sửa. Ông bà ta đã có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tức là phải xem xe có gì không để sửa luôn, tránh tình trạng hỏng cái này lại lan sang cái kia. Thành ra tốn chi phí sửa chữa mà sửa xe xong chưa chắc xe hoạt động như lúc đầu nữa. Ví dụ như không thay dầu nhớt thì hiệu quả bôi trơn cho máy sẽ kém dẫn đến chuyện là các chi tiết cứ cọ xát vào nhau, rất nhanh hỏng.
Trên đây là những thói quen xấu khi đi xe số mà một bộ phận người đi xe máy mắc phải. Để tránh xe nhanh hỏng, hãy bỏ những thói xấu này.