Chỉ vì không nghe lời vợ, nhất quyết bán đất mua ô tô mà chồng tôi đã làm gia đình mất đi một khoản tiền lớn.
Chồng tôi năm nay 35 tuổi, hiện đang làm công chức ở một cơ quan nhà nước tại Hà Nội. Tính anh cẩn thận, dịu dàng, yêu thương vợ con, cư xử khéo léo với họ hàng nhà vợ nên bố mẹ tôi rất hài lòng.
Duy nhất chỉ một điều tôi không thích ở chồng tôi đó là anh rất sĩ diện, ưa hình thức. Dù mức lương công chức chỉ ba cọc ba đồng nhưng lúc nào anh cũng chải chuốt, bảnh bao. Phần lớn chi tiêu trong gia đình đều là do tôi cáng đáng, lo liệu. Ngay cả căn nhà hai vợ chồng đang ở cũng là của bố mẹ chồng cho chứ hầu như chồng tôi chưa dành dụm được khoản tiền nào đáng kể.
May mà công việc bán hàng online của tôi cũng khá thuận lợi, tôi tiết kiệm và mua được một mảnh đất ở ngoại thành Đông Anh, Hà Nội từ mấy năm trước.
Từ ngày đất lên giá, chồng tôi mấy lần đề nghị bán đất sắm ô tô mà tôi chưa đồng ý. Việc mua ô tô chẳng giúp ích gì cho công việc kinh doanh của tôi ngoại trừ giải quyết khâu “oai” cho chồng.
Đến đầu năm 2020, dịch Covid bùng nổ, chồng tôi lại cuống cuồng giục bán đất mua xe hơi lần nữa.
Theo lời anh, nếu không bán kịp thời, giá đất lao dốc thì lúc ấy chỉ có lỗ to. Còn để cho anh mua xe, anh sẽ chạy thêm dịch vụ Grab, Be vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập.
Tôi thì vẫn muốn giữ đất làm của để dành, qua bao nhiêu thăng trầm, giá đất vẫn cứ tăng cao đó thôi chứ có phải mỗi đợt dịch bệnh này đâu. Tôi bảo anh nếu muốn giúp đỡ tôi, anh có thể chạy thêm Grab Bike cũng được, cần gì phải đầu tư ô tô tốn kém. Nghe tôi nói anh giận dỗi, trả lời là nếu có ô tô thì anh chạy thêm buổi tối, còn xe máy thì thôi, anh không làm được.
Người chồng chỉ coi tài xế Grab là nghề phụ nên hiệu quả kinh tế không cao
Cuối cùng, vì chiều chồng mà tôi mủi lòng đồng ý bán đất, còn sắm hẳn cho chồng một chiếc Toyota Altis mới tinh, cả phí lăn bánh vào là hơn 800 triệu.
Kể từ khi có xe, anh cũng chịu khó quan tâm đưa đón vợ con, việc đi lại cũng dễ dàng thuận tiện hơn. Nhưng nếu để so về hiệu quả kinh tế thì đúng là thảm họa.
Không như chồng tôi dự đoán, dịch Covid không làm giá đất nền đi xuống, ít nhất là mảnh đất mà vợ chồng tôi đã bán vẫn cứ tăng giá đều. Tính theo giá hiện tại, miếng đất giờ 2 tỷ, vợ chồng tôi đã bị mất khoảng 500 triệu đồng.
Việc bán đất lấy tiền mua xe chạy dịch vụ là quyết định sai lầm của vợ chồng tôi. Ảnh minh họa
Trong khi đó, thu nhập thêm từ việc chạy xe của chồng tôi lại chẳng được bao nhiêu. Ban ngày anh đi làm ở cơ quan nên chỉ có thể chạy xe vào buổi tối. Vì không mở ứng dụng thường xuyên nên Grab, Be…cũng không ưu tiên dành khách cho những người chạy xe nghiệp dư như chồng tôi. Nếu tính cả chi phí phát sinh cho việc thuê bến bãi, khấu hao xe hàng năm thì vợ chồng tôi đang lỗ nặng.
Hiện tại, tôi đang đau đầu không biết xử lý chiếc xe này như thế nào. Nếu bán xe thì không đành mà giữ lại để sử dụng thì tôi lại tiếc chi phí phải bỏ ra hàng tháng trong khi không có nhu cầu quá cấp thiết.
Qua kinh nghiệm đau thương của gia đình tôi, tôi muốn gửi lời khuyên tới những người cũng đang có ý định bán đất mua ô tô để chạy dịch vụ.
Đầu tiên, chỉ nên sắm ô tô để hưởng thụ khi kinh tế gia đình đã vững mạnh, còn việc bán đất để mua ô tô sẽ không phải là một quyết định đầu tư sáng suốt.
Thứ hai, nếu muốn kiếm tiền bằng nghề lái xe, các bạn phải đầu tư toàn thời gian thì mới mong có khách quen, thường xuyên có lịch đặt. Còn chỉ chạy xe buổi tối như chồng tôi sẽ chẳng kiếm được bao nhêu.
Ở thời điểm này, việc đầu tư xe để chạy dịch vụ, kể cả là mua xe cũ cũng rất rủi ro, tốt nhất là các bạn nên thuê xe theo tháng để chạy thử trước khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra, lái xe là làm nghề dịch vụ, đòi hỏi phải luôn ân cần với khách hàng, không phải ai cũng thích hợp với công việc này nhất là những người thích sĩ diện như chồng tôi. Nếu bạn nào có ý định kiếm sống bằng nghề lái xe, hãy cứ đăng ký chạy thử Grab Bike để trải nghiệm công việc.
Tài xế công nghệ có phải là nghề hấp dẫn?
Tài xế công nghệ đang dần trở thành một nghề nghiệp được nhiều người biết đến khi những màu sắc đồng phục riêng biệt của từng thương hiệu xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường, trong các nhà hàng, quán ăn.
Trong bối cảnh thị trường Việt Nam ngày càng thu hút các “đại gia” gọi xe công nghệ quốc tế và sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp trong nước, những chính sách đãi ngộ và việc xây dựng chế độ an toàn trong quá trình hoạt động đã được nhiều doanh nghiệp hình thành nhằm thu hút lực lượng lao động và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Có gần 50% tài xế công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP. HCM. Phần lớn lái xe công nghệ là người ngoại tỉnh, nữ chiếm 5%.
Các tài xế công nghệ có xuất thân đa dạng từ tài xế xe truyền thống chuyển sang, lao động tự do, sinh viên, công nhân, người buôn bán nhỏ; 25% tài xế có trình độ tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ có trình độ cao đẳng trở lên là 26%.
Đáng chú ý, có 2/3 các tài xế công nghệ đã có gia đình và 60% trong số họ đang gánh trách nhiệm lớn lao là kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên.
Trong khi, thu nhập từ nguồn tài xế xe máy bình quân là 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; tài xế ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng (đã trừ phí, xăng).
Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ từ công ty cung ứng dịch vụ với mức khá thấp và không thường xuyên.
Mặc dù mức thu nhập không cao, song tài xế công nghệ phải làm việc rất căng thẳng. Tài xế xe máy 9,2 giờ/ngày, tài xế ô tô 11,2 giờ/ngày; các ngày lễ, tết, ngày nghỉ dường như không có và chịu áp lực giao sớm/đúng giờ…
Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong điều kiện vất vả: thời tiết, đường xá, va quệt, tai nạn; chịu áp lực từ khách hàng; mất, hỏng hàng hóa thậm chí cả vấn đề quấy rối tình dục và nhiều hành vi nguy hiểm khác.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tới việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp.
Chỉ có 42% đã được nghe đến các chế độ an sinh xã hội và 67% không rõ gồm những chế độ gì; biết và nghe về BHXH tự nguyện là 66%, BHYT tự nguyện là 89%.