Dịp cuối tuần, nhiều bạn trẻ “trốn phố” bằng cách du lịch tới những vùng đồi núi bằng xe máy. Theo đó, lái xe cần nắm vững kỹ thuật đổ đèo để tránh nguy hiểm.
Đổ đèo bằng xe máy. Ảnh: Xuyên Đông
Anh Nguyễn Xuân Thái, thợ sửa xe máy có hơn 10 năm kinh nghiệm ở đường Tân Xuân, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, không ít bạn trẻ ở thành phố khi lái xe ở vùng đồi núi thường có những thói quen nguy hiểm như tắt máy hay bóp chết phanh.
Anh Thái phân tích khi đổ đèo, xe máy có thể tự di chuyển. Tuy nhiên, nếu tắt máy, xe sẽ chạy theo quán tính rất nguy hiểm. Khi ấy không thể phanh động cơ, thậm chí phanh tay cũng mất tác dụng bơm dầu.
Trái ngược với thói quen tắt máy cho xe trôi tự do, nhiều người lại bóp chặt phanh. Họ nghĩ rằng khi bóp chặt phanh sẽ hãm được tốc độ, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế việc này lại vô cùng rủi ro. khi bóp chết phanh tức là giữ phanh ở trạng thái phanh liên tục. Việc này có thể gây nóng má phanh, dẫn đến cháy, mất phanh. Vì vậy, tuyệt đối không nên làm hành động này.
Thay vào đó, nếu thấy xe lao dốc quá nhanh, hãy nhấp nhả phanh liên tục để giảm tốc độ xe di chuyển về trong khoảng an toàn. Cũng đừng quên giữ khoảng cách ít nhất là 30 – 40m với các phương tiện di chuyển phía trước.
Chia sẻ kinh nghiệm đổ đèo, phía Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam khuyến cáo, với xe ga, kỹ năng sử dụng phanh động cơ sẽ khó hơn, vì xe ga sử dụng hộp số CVT (biến thiên vô cấp), không sử dụng bánh răng nên không thể lên, xuống số. Với người ít kinh nghiệm, tốt nhất không nên đổ đèo bằng xe ga.
Nếu phải đổ đèo bằng xe ga, sử dụng phanh bằng động cơ bằng cách lợi dụng độ bám của bộ ly hợp (côn) để ghìm xe ở một tốc độ nhất định, đủ để không phải sử dụng liên tục.
Khi bắt đầu đổ đèo, cho xe chạy xuống với tốc độ khoảng 15 km/h thì bắt đầu rà phanh, xoắn nhẹ tay ga, vừa mớm ga vừa phanh để giữ tốc độ ổn định từ 15-20 km/h. Khi đó, bộ côn đã bám (côn sẽ không bám nếu chạy quá chậm, dưới 15 km/h). Nhả phanh và ga, xe sẽ bị ghìm lại. Do côn vẫn bám và xe bị động cơ kéo giật lại, máy sẽ gào, gằn ra tiếng to hơn.
Khi xe chạy nhanh hơn vì độ dốc lớn, người lái chủ động mớm phanh để giữ tốc độ trong tầm kiểm soát.
Còn đối với xe số (gồm cả xe côn tay, côn tự động), lái xe sẽ rất dễ để phanh động cơ bằng cách đơn giản là về số thấp. Ví dụ, khi xuống dốc bằng số 4, thấy xe chạy nhanh quá mức, hãy về số 3 để xe ghìm lại. Lúc ấy xe sẽ chạy chậm hơn.