Chạy xe công nghệ mà không quên vác luôn cái bàn thờ ở nhà mang theo, bác tài xế khiến nhiều người dân Sài Gòn không khỏi bất ngờ thích thú.
Báo Saostar ngày 20/3 đưa thông tin với tiêu đề: Chuyến xe tâm linh của chàng xe ôm khiến dân Sài Gòn ‘mắt tròn mắt dẹt’. Với nội dung như sau:
Mới đây, mạng xã hội đang chuyền tay nhau chiếc clip ghi lại hình ảnh một tài xế chạy Grab cực vui tính. Thay vì chỉ làm việc kiếm tiền, bận rộn với những mục tiêu riêng thì tài xế này lại tỏ ra vô cùng yêu đời và thích thú với công việc mình đang làm.
Bằng chứng là chú tài xế này đã dụng công trang hoàng cho chiếc xe của mình rất ngộ nghĩnh. Không giống như những chiếc xe bình thường khác, bác tài này bê nguyên cái bàn thờ nhà mình vào để giải vía. Mỗi lần chiếc xe chạy qua, người đi đường đều phải nhìn theo.
Điều đáng nói là, bằng một cách nào đó chiếc bàn thờ có đủ ông địa, thần tài, hoa cúng, bát hương và một nải chuối xanh nằm gọn gàng trên đầu xe máy.
Cộng đồng mạng hài hước bình luận:
– Ế đến mức mang cả ông địa với thần tài đi phù hộ.
– Vừa đi vừa cúng là có thật.
– Cúng nải chuối xong, chuối chín khách thỉnh ăn luôn!
– Ổng mà tới đón khách, khách mà thấy bàn thờ chắc huỷ chuyến luôn quá!
Tuy nhiên, trong suốt đoạn clip dài gần 1 phút được dân mạng chia sẻ, điều gây ấn tượng nhiều nhất chính là thái độ tích cực vui vẻ của bác tài.
Hiện tại, dân mạng vẫn đang truy lùng danh tính và thông tin về chú tài xế với hy vọng, có thể ngồi lên “chiếc xe tâm linh” di động nếu có dịp cần di chuyển tại Sài Gòn.
Tiếp dến, báo Dân Trí cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Những cuốc xe trả tiền tùy tâm của chú xe ôm tốt bụng ở Sài Gòn
Nội dung được báo đưa như sau:
Đã qua tuổi 60, ông Lưu Cẩm Tuệ (quận Tân Bình) vẫn miệt mài trên “con ngựa sắt” cũ, đi cuốc xe trả tiền tùy tâm, trợ giúp công việc đi lại, chuyện lặt vặt cho người mù.
Chuyến xe ôm định mệnh
Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con, từ nhỏ ông Lưu Cẩm Tuệ phải làm đủ việc để phụ giúp ba mẹ lo chuyện cơm áo gạo tiền. Những ngày còn trẻ, ông chỉ biết làm quần quật từ sáng đến tối. Mãi cho đến khi cuộc sống tạm ổn, cũng đã qua tuổi lập gia đình, vì sức cũng yếu dần nên ông sắm chiếc xe cũ hành nghề chạy xe ôm ở khu vực quận Tân Bình – gần nhà để lo mẹ già hay ốm đau. Cơ duyên đến với người khiếm thị cũng từ đó.
“Cũng như mọi ngày tôi dựng xe đợi khách trước hẻm gần nhà, thấy cô gái khiếm thị dò dẫm từ hẻm bước ra. Đến hỏi thì biết cô cần bắt xe ôm nhưng không có nên tôi ngỏ ý chở luôn. Tôi chở đến hội người mù ở quận mới biết cô đang làm việc ở đấy. Dần dần tôi quen mọi người trong hội, ai nhờ đón đưa tôi cũng giúp” – ông nhớ lại.
Gần 20 năm gắn bó với hội người mù, mỗi ngày ông Tuệ đều có những vị khách quen đặc biệt đi nhờ xe đến chỗ làm, chỗ học với mức phí tùy tâm. Ông tâm tình, những ngày đầu chạy xe ôm cho người sáng mắt tiền được kha khá, vì thời đó chưa có nhiều xe ôm công nghệ. Từ khi quyết định chỉ chở giúp cho người khiếm thị, tiền kiếm không được bao nhiêu nhưng lúc nào niềm vui cũng ngập tràn.
Không chỉ giúp đi lại, ông còn thường xuyên lui tới cơ sở spa khiếm thị, nơi làm việc chính của người mù để giúp dọn dẹp, đi chợ, trồng cây, làm công chuyện to nhỏ trong nhà.
“Tôi đã lớn tuổi, làm gì cũng chậm hơn người khác, sống lại neo đơn nhưng nhờ các bạn tôi có người nói chuyện, tâm sự mỗi ngày. Nhiều lúc tôi nghĩ mình sẽ đi bên cạnh họ đến khi hết sức thì thôi” – Ông Tuệ chia sẻ.
Chị Lê Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội người mù quận Tân Bình, chính là vị khách đầu tiên đưa ông Tuệ đến với hội viên.
“Tôi biết anh Tuệ cũng hơn chục năm, người khiếm thị được người sáng giúp thì nhiều, nhưng chưa ai nhiệt tình và hết lòng với chúng tôi như anh cả. Tôi cần đi đâu cứ nhấc máy gọi, nửa đêm đau sốt cũng nhờ anh mua thuốc men, những công việc lặt vặt không tên nhưng tự tay chúng tôi rất khó làm… đều có sự hiện diện của anh Tuệ. Anh tuy nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm, thật khó để tìm một người sẵn sàng lo việc người khác từ tâm như vậy” – bà Chi chia sẻ.
“Chú còn là người cha, người ông nuôi của con tôi”
Là nhân viên tại một spa khiếm thị ở quận 11, hơn 8 năm nay, chị Mã Thị Hồng Phấn mỗi sáng đều được ông Tuệ chở từ nhà trọ (quận Tân Bình) lên đến chỗ làm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Phấn bảo chưa lần nào ông Tuệ từ chối bất kì việc gì người khiếm thị nhờ giúp đỡ.
“Khi thì 5 ngàn, 10 ngàn, có lúc chú chẳng lấy tiền còn cho mượn ngược lại, nên nói là đi xe ôm nhưng thật ra là chú giúp thôi. Có thời gian tôi phải gửi con nhỏ mới 6 tháng tuổi cho chú giữ để mình đi làm, một tay chú trông coi nó lớn đến nay, giúp mẹ con tôi hết việc trong ngày. Với tôi, chú Tuệ là người cha, người ông nuôi của con trai tôi giữa thành phố xô bồ như vậy” – chị Hồng Phấn rưng rưng kể.
Chị Hồng Phấn nói thêm, từng biết ông ăn cơm nguội với nước canh trong những bữa trưa “cháy máy” vì chở các bạn khiếm thị đi làm, đi học. Dù sức khỏe không tốt, ông vẫn nhận lời giúp vì hiểu được cái khó của người khiếm thị nên ai cũng muốn tuổi già sẽ chăm lo ông như người thân trong gia đình.
Chị Phạm Thị Bình, chủ spa khiếm thị ở quận 11, cũng dành những lời biết ơn cho ông trong suốt thời gian được ông phụ giúp mọi việc tại tiệm.
“Thuở còn sinh viên, tôi đã nghe danh chú Tuệ từ các chị lớp trên và hầu như ai khiếm thị đều biết đến chú vì sự tốt bụng nhiệt tình. Chú chở đi học, mua giúp từng hộp cơm, dẫn đi đến nơi về đến chốn nên với tôi chú như là một đôi mắt không thể thiếu vậy” – chị Bình tâm sự.
Vậy nên khi có công ăn việc làm ổn định, nhiều chị em trong hội người mù luôn tìm cách trả ơn ông bằng bữa ăn sang hơn mọi ngày, khi thì mời ly nước mía, hột vịt lộn và cả lời hứa “chú già ốm sẽ có tụi con lo”…
TỔNG HỢP