Ấn Độ – Người đàn ông và người phụ nữ đè phần răng sắc nhọn của chiếc bẫy nằm ngang ra đất, giúp bánh xe lăn qua an toàn.
Báo VnExpress ngày 4/2/2024 đưa thông tin với tiêu đề: “Bẫy chông vô dụng khi xe máy cố đi ngược chiều”
Với nội dung như sau:
Bẫy chông vô dụng khi xe máy cố đi ngược chiều
Chiếc bẫy nằm trên một con đường ở thành phố Raipur, bang Chhattisgarh. Mục tiêu của chính quyền địa phương là ngăn chặn các phương tiện đi ngược chiều. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong video cho thấy biện pháp này gần như vô tác dụng.
Phần răng nhọn của bẫy hướng về một chiều đường – là chiều ngược lại của luồng giao thông được phép hoạt động. Nếu đi đúng chiều, khi bánh xe lăn qua, phần răng nhọn sẽ bị đè xuống và không ảnh hưởng đến phương tiện. Nhưng nếu đi ngược, bánh xe sẽ bị những chiếc răng sắt có thể làm thủng lốp.
Để giúp các phương tiện – chủ yếu là xe máy – đi ngược chiều, một người đứng đè lên phần đầu nhọn nằm ngang ra đường và xe đi qua an toàn.
Bẫy chông trên một con đường khác ở Ấn Độ, với một phần đã bị xê dịch, vừa đủ chỗ cho xe máy đi qua. Ảnh: TOI
Thực tế ở Ấn Độ, một trong những dạng vi phạm giao thông phổ biến nhất là đi ngược chiều, theo Cartoq. Thậm chí, nhiều người thực hiện hành vi này mà không hề coi đó là một vi phạm. Cách tham gia giao thông bất chấp chỉ để tiết kiệm vài phút hoặc một chút nhiên liệu có thể dẫn tới những va chạm không đáng có.
Chiếc bẫy chông này được lắp đặt trên nhiều con đường ở Ấn Độ và chỉ có hiệu quả trong ít ngày đầu. Người dân nhanh chóng nhận ra cách biến thiết bị này thành vô dụng, thậm chí có nơi, bẫy bị tháo khỏi mặt đường.
Tiếp đến, báo Pháp luật cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Nan giải ‘vấn nạn’ đi ngược chiều
Nội dung được báo đưa như sau:
Tình trạng các phương tiện giao thông đi ngược chiều trên đường phố không còn mới, nhưng gần đây, nhiều tài xế đã “thách thức tử thần” khi ngang nhiên đi ngược chiều cả trên đường cao tốc.
Ảnh minh họa
Tình trạng đi ngược chiều đã trở nên quá quen thuộc trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội, đặc biệt vào những khung giờ dễ tắc đường. Có trường hợp làn đường đang tắc, một số tài xế chỉ vì tiết kiệm thời gian “tiện đường” còn chuyển hướng lưu thông sang làn ngược chiều, khiến ùn tắc càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng nhiều tài xế xe ôm, xe công nghệ đi ngược chiều lên đường cao tốc chỉ dành riêng cho ô tô, để tránh đoạn tắc dưới đường cao tốc trên cao vào giờ cao điểm. Đoạn đường điển hình thường ghi nhận tình trạng này tại Hà Nội chính là đường vành đai 3.
Hành vi đi ngược chiều khi tham gia giao thông xảy ra ở nhiều địa phương. Gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản đối với tài xế L.Đ.H với mức phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng do lái xe ôtô con đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Ngày 12/7/2023, sau khi đã tiếp nhận video do quần chúng nhân dân cung cấp, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSGT đã tiến hành xác minh, làm rõ thông tin phương tiện và lái xe liên quan. Theo đó, chiếc xe bán tải Ford Ranger mang biển số 30G-358.66 do ông L.Đ.H điều khiển đã đi ngược chiều ở làn khẩn cấp trên Đại lộ Thăng Long vào khoảng 11 giờ, may mắn không xảy ra tai nạn.
Ngày 1/7, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) đã ra quyết định xử phạt với nữ tài xế Đ.T.X.Y. điều khiển ô tô bán tải mang biển số 51H-166.XX chạy ngược chiều 2km trên cao tốc Nha Trang – Cam Lâm. Hành vi vi phạm của nữ tài xế đã bị camera hành trình của một ô tô khác ghi lại. Theo hình ảnh trong clip, dù chạy ngược chiều nhưng nữ tài xế vẫn đi với tốc độ cao và liên tục nháy đèn pha cho các phương tiện khác tránh mình. Khi khai báo về hành vi này, nữ tài xế lấy lý do “không quen đường nên đã quay đầu, chạy ngược chiều”.
Hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc là hành vi cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, đe doạ đến tính mạng con người. Đó cũng là trường hợp vào ngày 6/7, trên đường dẫn cao tốc TP HCM – Trung Lương, theo hướng từ vòng xoay cao tốc ra ngã tư Đồng Tâm, một tài xế xe SH mang biển số 63B8-285.75 điều khiển lưu thông ngược chiều đã va chạm với xe khách đi đúng chiều mang biển số 64B-007.59. Dù tài xế xe khách đã giảm tốc độ để tránh nhưng tài xế xe máy vẫn điều khiển xe tông trực diện vào đầu xe khách, hậu quả là tài xế này bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi đi ngược chiều có thể bị xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng đối với mô tô, xe máy; xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng đối với ô tô. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng. Đối với hành vi điều khiển xe hoặc đi ngược chiều trên đường cao tốc, người điều khiển mô tô, xe máy có thể bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, tước giấy quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 – 5 tháng. Còn đối với người điều khiển ô tô đi ngược chiều trên cao tốc bị xử phạt từ 16 – 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 – 7 tháng.
Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông vẫn bất chấp nguy hiểm, coi thường tính mạng của bản thân và người khác để thực hiện hành vi đi ngược chiều. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, tuân thủ quy định của pháp luật, vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng.
Tổng hợp
Theo VnExpress, Pháp luật Việt Nam