Thú chơi siêu xe của đại gia Hoàng Kim Khánh khiến giới chơi xe phải “ngả mũ” về độ chịu chi khi mua nhiều siêu xe triệu đô, thậm chí bỏ ra 9 tỷ đồng và chờ 2 năm chỉ để sửa chữa xe ở nước ngoài.
Giới chơi xe tại Việt Nam thường nhắc nhiều tới hai cái tên Cường Đô la (tức Nguyễn Quốc Cường) hay Minh Nhựa (tức Phạm Trần Nhật Minh) về độ chịu chi với nhiều mẫu siêu xe, xe thể thao trị giá từ vài tỷ đến trăm tỷ đồng. Ngoài ra còn có ông Đặng Lê Nguyên Vũ với bộ sưu tập xe trị giá nghìn tỷ, gồm hàng trăm chiếc siêu xe, xe sang,…
Hình ảnh những chiếc siêu xe đáng mơ ước trong bộ sưu tập của doanh nhân Hoàng kim Khánh.
Bên cạnh những tay chơi khét tiếng trên, giới chơi xe vài năm trở lại đây đã phải “ngả mũ” trước gương mặt mới, ghi dấu ấn bằng hàng loạt siêu xe giá vài chục tỷ đến trăm tỷ đồng, đó là doanh nhân Hoàng Kim Khánh. Vị đại gia gốc Hải Dương này sở hữu nhiều siêu xe đáng mơ ước như Lamborghini Aventador S (hơn 40 tỷ), Ferrari SF90 Stradale (hơn 40 tỷ), Ferrari 488 Pista Spider (gần 40 tỷ), và nhất là siêu xe Koenigsegg Regera đến từ Thụy Điển chỉ có 80 chiếc trên toàn thế giới có giá trị lên đến 200 tỷ đồng.
Vợ chồng đại gia Hoàng Kim Khánh cùng chiếc Regera tại nhà máy của hãng ở Thụy Điển. Ảnh: Hoàng Kim Khánh
Hồi tháng 2 vừa qua, Hoàng Kim Khánh gây chú ý khi chia sẻ số tiền phải bỏ ra để sửa chữa chiếc Koenigsegg Regera của anh. Theo đó, chiếc megacar (xe có công suất trên 1 Megawatt) khiến chủ xe phải chi 365.637 USD (tương đương hơn 8,9 tỷ đồng) để sửa chữa tận bên nhà máy ở Thụy Điển . Ngoài ra, nam doanh nhân này còn tốn thêm 22.150 Euro (quy đổi khoảng 600 triệu đồng) để vận chuyển chiếc xe sau khi sửa xong về Thái Lan.
Siêu phẩm Koenigsegg Regera khi mới mua hồi đầu năm 2022.
Chiếc Koenigsegg Regera này được đại gia ngành thẩm mỹ đưa về Việt Nam từ tháng 1/2022. Tính đến nay, đây vẫn là chiếc xe đắt giá nhất Việt Nam dù đăng ký biển số Campuchia, đồng thời là một trong hai chiếc xe đến từ thương hiệu Koenigsegg có mặt trên dải đất hình chữ S. Chiếc còn lại là mẫu CCX, tuy nhiên lai lịch khá bí ẩn.
Theo công bố của nhà sản xuất, chỉ có vỏn vẹn 80 chiếc Regera được sản xuất trên toàn thế giới. Ở thời điểm ra mắt vào năm 2015, xe có giá bán khởi điểm khoảng 1,9 triệu USD (tương đương khoảng 40 tỷ đồng). Sau 8 năm, giá trị xe thậm chí tăng gấp hơn 2 lần khi chạm ngưỡng 4-5 triệu USD tại thị trường Mỹ.
Lần cuối cùng chiếc Koenigsegg Regera của đại gia Hoàng Kim Khánh xuất hiện trên đường phố là hành trình Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Dương, tổ chức hồi tháng 6/2022 nhưng theo tìm hiểu của VietNamNet, sau khi lăn bánh 1 ngày tại Thủ đô, chiếc xe tiếp tục di chuyển về Quảng Ninh và gặp sự cố ở địa phận tỉnh Hưng Yên, trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Kể từ đó đến nay, xe phải đưa trở lại Campuchia trước khi chuyển sang đại lý Koenigsegg tại Thái Lan để đến nhà máy của hãng ở Thụy Điển.
Chiếc Koenigsegg Regera vừa cập bến Thái Lan hồi cuối tháng 2/2024 sau hành trình gần 2 năm sửa chữa. Ảnh: Hoàng Kim Khánh
Dù chưa rõ lỗi cụ thể mà chiếc megacar gặp phải nhưng theo tiết lộ từ một người tham gia cùng đoàn xe với doanh nhân ngành thẩm mỹ hồi tháng 6/2022, hệ thống điện gặp lỗi khiến chiếc siêu xe không thể nổ máy. Thậm chí, ban đầu cửa xe bị khóa khiến người cầm lái không thể ra ngoài.
Bên cạnh đó, theo bảng báo giá bảo dưỡng sửa chữa mà chủ xe chia sẻ, nhiều hạng mục trong đó liên quan đến hệ thống điện đã phần nào hé lộ về sự cố trên.
Chiếc Koenigsegg Regera vừa cập bến Thái Lan hồi cuối tháng 2. Ảnh: Hoàng Kim Khánh
Koenigsegg là nhà sản xuất xe thể thao hiệu năng cao của Thụy Điển, thành lập từ năm 1994. Do đó, các mẫu xe của hãng xe này ban đầu được phát triển dựa theo điều kiện của những quốc gia có khí hậu ôn đới, hàn đới. Khi về Việt Nam – quốc gia có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa (nóng ẩm nhiều), chiếc Regera sẽ gặp khó khăn khi vận hành, đặc biệt là hệ thống điện cùng hệ truyền động plug-in hybrid (kết hợp động cơ V8 5.0 lít và 3 mô-tơ điện).
Không riêng Koenigsegg, chủ nhân của nhiều chiếc xe hiệu năng cao đến từ thương hiệu ở châu Âu như Lamborghini, Ferrari hay McLaren đều gặp tình trạng “chết” máy, lỗi hệ thống điện (không đóng/mở được mui điện, đề nổ máy) hoặc một số lỗi kỹ thuật về mặt cơ khí khác.
Một chủ xe Ferrari 488 sống tại TP.HCM từng chia sẻ, việc di chuyển chậm trong phố cùng thời tiết nóng khiến nhiệt độ từ động cơ V8 của xe phả ra rất nóng, có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện trên xe.
Hai chiếc megacar “hàng khủng” hiếm có khó tìm khác đang tồn tại ở Việt Nam là Pagani Huayra và Porsche 918 Spyder.
Tuy nhiên, ba hãng xe kể trên hiện đã có đại lý và xưởng bảo dưỡng, sửa chữa tại Việt Nam. Khách hàng sở hữu siêu xe có thể tiết kiệm chi phí hơn khi gặp lỗi hoặc sự cố về xe. Trong khi đó, một số mẫu megacar triệu đô khác ở nước ta vẫn phải tìm đến đơn vị sửa chữa siêu xe không chính hãng hoặc chuyển về nhà máy của hãng như chiếc Koenigsegg Regera, Koenigsegg CCX, Porsche 918 Spyder, Bugatti Veyron hay Pagani Huayra gần 100 tỷ của Minh Nhựa.