Dù là lái mới hay ngay cả những tài xế lâu năm khi được hỏi câu: “Bằng lái xe nào cao nhất?” cũng ít nhiều gặp lúng túng, không phải ai cũng biết câu trả lời. Vậy đó là loại bằng lái xe nào?
1. Bằng lái xe nào có giá trị cao nhất hiện nay?
Căn cứ Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các loại bằng lái xe tại Việt Nam đang được chia thành các hạng sau:
STT | Hạng bằng lái xe |
1 | Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3. |
2 | Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1. |
3 | Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự. |
4 | Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg. |
5 | Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg. |
6 | Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg. |
7 | Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2. |
8 | Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C. |
9 | Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D. |
10 | Hạng FB2 cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2 để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa. |
11 | Hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc. |
12 | Hạng FD cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng D để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa. |
13 | Hạng FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa. |
Trong số các loại bằng lái xe kể trên, bằng lái xe cao nhất chính là bằng lái xe hạng FE. Bằng FE được cho là có giá trị cao nhất bởi nó hai lý do chính:
– Người sở hữu bằng lái xe FE có thể điều khiển được hầu hết các loại phương tiện khác.
– Điều kiện học và thi bằng lái xe hạng FE được đánh giá là khó nhất so với các loại bằng lái xe khác: Yêu cầu cao nhất về khả năng vận hành xe, kể cả kinh nghiệm lái xe và kiến thức về giao thông.
2. Bằng lái xe cao nhất FE lái được xe gì?
Điểm d khoản 12 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT đã quy định rõ các loại phương tiện mà người sở hữu bằng lái xe FE có thể điều khiển như sau:
Hạng FE cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.
Theo đó, bằng lái xe FE sẽ được phép lái các loại xe sau đây:
– Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi (tính người lái).
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải dưới 3.500 kg.
– Ô tô dùng cho người khuyết tật.
– Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (tính người lái).
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải dưới 3.500 kg.
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải dưới 3.500 kg.
– Ô tô chuyên dùng có trọng tải dưới 3.500 kg.
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.
– Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi (tính người lái).
– Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi.
– Các loại xe tương ứng với bằng lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc.
– Các loại xe tương ứng với bằng lái xe hạng D có kéo rơ moóc.
– Các loại xe tương ứng với bằng lái xe hạng E có kéo rơ moóc.
3. Điều kiện học và thi bằng lái xe FE thế nào?
Theo Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, tài xế không thể trực tiếp học và thi bằng lái xe FE như với bằng B1 và B2 mà phải học nâng bằng.
Căn cứ khoản 3 Điều 7 Thông tư 12, tài xế chưa có bằng lái xe ô tô muốn học và thi bằng lái xe FE một cách nhanh nhất thì phải học và thi bắt đầu từ bằng B2 sau đó học nâng hạng dần dần từ B2 lên C, C lên D, D lên E và E lên FE.
Lái xe muốn nâng hạng bằng lái xe từ hạng E lên FE thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài được phép cư trú, học tập và làm việc tại Việt Nam.
– Đã có bằng lái xe hạng E.
– Từ đủ 27 tuổi trở lên.
– Có sức khỏe tốt để lái xe.
– Có kinh nghiệm hành nghề lái xe ít nhất 03 năm và có tối thiểu 50.000km lái xe an toàn.
4. Bằng lái xe cao nhất có thời hạn sử dụng bao lâu?
Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định cụ thể về thời hạn của giấy phép lái xe hạng FE như sau:
- Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
Theo quy định này, bằng lái xe FE chỉ có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Thời hạn cụ thể sẽ được in trực tiếp trên bằng lái xe mà cơ quan nhà nước cấp.
Khi bằng lái xe FE hết hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng bằng lái xe này thì tài xế phải tiến hành thủ tục xin cấp lại theo quy định tại Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT:
– Bằng lái xe FE hết hạn dưới 03 tháng: Tài xế được cấp lại bằng lái xe FE mà không phải thi sát hạch.
– Bằng lái xe FE hết hạn từ 03 tháng đến dưới 01 năm: Tài xế phải thi sát hạch lại lý thuyết. Nếu qua vòng lý thuyết thì mới được cấp lại bằng lái xe FE.
– Bằng lái xe FE hết hạn từ 01 năm trở lên: Tài xế phải thi sát hạch lại cả nội dung lý thuyết và thực hành.