Hiện trường một vụ xe tải lao vào nhà dân do tài xế có nồng độ cồn tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Công an cung cấp
Có thể hiểu, người hành nghề lái xe nghĩa là người làm công việc chính là lái xe dịch vụ, xe kinh doanh. Thu nhập của nghề lái xe là thu nhập chính. Bên cạnh đó, không ít người lái xe cũng là một nghề được nhiều người lựa chọn làm nghề tay trái nhằm đa dạng hóa nguồn thu.
Theo đó, nghề lái xe không yêu cầu trình độ học vấn. Tuy nhiên, để có thể hành nghề này, cần phải giấy phép lái xe tương ứng theo hạng xe hành nghề, hồ sơ xin việc sạch sẽ. Ngoài ra, nghề lái xe cần có sức khỏe tốt, chăm chỉ, trung thực cùng sự chuyên nghiệp khi ngành dịch vụ đang dần phát triển. Đa phần người hành nghề lái xe là nam giới bởi đặc thù của nghề là di chuyển liên tục, đi lại vất vả, đôi khi cần bê vác đồ, hành lý cho khách.
Một yếu tố khác cần đề cập đến, đó là trách nhiệm. Bởi lẽ, ôtô là phương tiện có thể gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, mà trong thực tế đã có nhiều trường hợp xảy ra với số lượng lớn nạn nhân. Xe có trọng tải càng lớn, càng có khả năng đe dọa đến tính mạng nhiều người. Chẳng hạn, người hành nghề lái xe có uống rượu rồi lái xe container, đó là kịch bản cực kỳ nguy hiểm, hệ lụy rất thảm khốc.
“Về tiêu chuẩn hành nghề lái xe, vị chuyên gia pháp lý đánh giá, nhìn chung về vấn đề rượu bia, đa số tài xế đều đã có đủ nhận thức về trách nhiệm khi cầm lái. Dưới góc độ pháp lý, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT cũng đã có những tiêu chuẩn nhất định đối với những người hành nghề lái xe. Tuy nhiên, tôi cho rằng để hoàn thiện hành lang pháp lý hơn nữa, cần có chế tài riêng biệt cho những người hành nghề lái xe về yếu tố nồng độ cồn” – luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long) nhận định.
Nguyên nhân bởi trách nhiệm đảm bảo tính mạng không phải cho chính lái xe mà còn cả những hành khách khác đang ngồi trên chuyến xe, và nên áp dụng cho riêng biệt cho các loại phương tiện như xe máy, xe tải, sơ mi rơ moóc.
Đề cập về đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn để xử phạt, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Công ty Luật TNHH Thái Hà) cho rằng, nên có một con số biểu đạt nhất định về ngưỡng cho phép và ngưỡng vi phạm để luật định được cụ thể hóa hơn. Với những người hành nghề lái xe, cần có tiêu chuẩn về nồng độ cồn khắt khe hơn, đi kèm với chế tài xử phạt cao hơn.
“Có thể áp dụng mức phạt hành chính nặng hơn so với người không hành nghề lái xe, đi kèm với giới hạn số lần. Cụ thể, có thể đến lần thứ ba nếu tiếp tục vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng giới hạn cho phép, lái xe sẽ bị tước bằng và vĩnh viễn không cho tiếp tục hành nghề lái xe. Hiện tại, quá trình chuyển đổi số đã giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra lý lịch của lái xe về số lần vi phạm” – ông Hải cho biết.