Hiểu thế nào về câu ‘mưa tránh trắng, nắng tránh đen’ khi lái xe

“Mưa tránh trắng, nắng tránh đen” là câu “thần chú” được các tài xế có kinh nghiệm đúc kết nhằm giúp lái xe di chuyển an toàn trên những đoạn đường xấu thông qua việc quan sát mặt đường.

Báo Vietnamnet năm 2023 đưa thông tin với tiêu đề: Hiểu thế nào về câu ‘mưa tránh trắng, nắng tránh đen’ khi lái xe. Với nội dung như sau:

Quan sát là kỹ năng quan trọng bậc nhất khi lái xe trên đường. Khi di chuyển trên những đoạn đường xấu, để tránh đi vào “ổ voi, ổ gà” gây mất an toàn và hư hại cho xe, cánh “tài già” giàu kinh nghiệm đã có những câu khẩu quyết rất ngắn gọn nhưng dễ hiểu, dễ áp dụng.

Trời mưa, những “ổ voi, ổ gà” do đọng nước sẽ có màu trắng sáng hơn các khu vực khác. (Ảnh minh hoạ: Phúc Nhơn)

Chia sẻ về câu “mưa tránh trắng, nắng tránh đen”, anh Nguyễn Gia Dương – giáo viên dạy lái xe của trường ĐH Công nghệ GTVT (Hà Nội) cho biết, đây là kinh nghiệm nhìn mặt đường theo thời tiết để chạy xe, rất hữu ích không chỉ đối với ô tô mà còn với cả người đi xe máy, xe đạp.

Theo đó, “mưa tránh trắng” có nghĩa là khi trời mưa, nếu mặt đường có ổ gà, nơi đó sẽ bị đọng nước. Từ góc nhìn của lái xe, qua phản xạ ánh sáng sẽ tạo nên mặt gương lấp loáng, do đó không nên chạy vào những nơi có mặt đường màu trắng khi trời mưa.

Nhìn từ xa, những mảng màu tối bất thường trên đường sẽ báo hiệu cho lái xe các ổ gà, ổ voi để vòng tránh. (Ảnh minh hoạ: Đình Hiếu)

Ngược lại, khi trời nắng, thông thường mặt đường sẽ phải sáng đều, những nơi tối màu (đen) hơn bình thường có thể là ổ gà, hố sụt hoặc bề mặt gồ ghề vì không nhận được ánh sáng mặt trời đủ như trên bề mặt láng mịn.

Ngoài ra, những vùng có màu tối trên mặt đường nhựa khi trời nắng có thể là chất lỏng như dầu, mỡ, nhớt bị đổ, lái xe cũng rất nên tránh những vùng tối màu như vậy để đảm bảo an toàn. Do đó mới có câu “nắng tránh đen”.

“Việc quan sát từ sớm không chỉ giúp chúng ta chủ động vòng tránh, đỡ phải phanh gấp hoặc chuyển hướng bất ngờ gây mất an toàn trên đường mà còn giúp tăng độ bền của phương tiện. Nếu ô tô, xe máy thường xuyên đi vào ổ gà, ổ voi thì bộ phận gầm, giảm xóc cũng như nhiều bộ phận khác trên xe rất nhanh xuống cấp, lọc xọc sau một thời gian sử dụng”, vị giáo viên lái xe này chia sẻ thêm.

Tiếp dến, báo Vnexpress cũng có bài đăng tương tự với thông tin: ‘Khẩu quyết’ lái xe cho tài xế Việt Nam

Nội dung được báo đưa như sau:

Đầu xuôi đuôi lọt: Nếu có một khe hẹp, ta đã lách được qua 2 gương là yên tâm phía sau sẽ lọt (tất nhiên đừng đánh lái). Các xe tải thì không áp dụng được bài này vì thùng hàng nhiều khi to hẳn ra.

Tiến bám lưng, lùi bám bụng: Đây là bài để các cụ tiến tiến lùi lùi trong các ngõ hẹp, qua cổng, góc tường… Lưng ở đây phải hiểu là phía thân xe ngược với hướng cua, còn bụng thì ngược lại.

Lên số nào, xuống số đó: Đây là bài đi đèo dốc. Cũng không nhất thiết phải xuống đúng số khi lên, nhưng câu này nhắc nhở lái xe không khi nào được đi số cao hoặc về mo khi thả dốc dài.

Chó tránh đầu, trâu tránh đuôi: cách tránh động vật ở trên đường. Khi bị giật mình, chó thường chạy quay đầu lại, còn trâu bò thì cứ lừ lừ tiến.

Côn ra, ga vào, phanh tay thả: thao tác khi bắt đầu khởi hành.

Lên số lấy đà, về số vù ga: là thao tác đổi số.

Bỏ ga, qua thắng: thao tác thường trực khi lái xe. Chân phải khi không dùng để nhấn ga phải ngay lập tức chuyển sang để hờ lên bàn đạp phanh, sẵn sàng xử lý tính huống tiếp theo.

Đi chậm côn trước phanh sau, đi nhanh phanh trước côn sau an toàn: thao tác lái xe khi đi chậm và đi nhanh.

Nhất chạng vạng, nhì rạng đông: những thời điểm nguy hiểm khi lái xe. Ban ngày, mắt đang quen ánh sáng mạnh, lúc chạng vạng, mắt chưa quen, ánh đèn pha chẳng thấm vào đâu, do vậy đi tầm này phải rất cẩn thận. Còn tảng sáng ngoài chuyện có người đi chợ sớm thì quan trọng là: nhiều lái xe chạy đêm, tầm đó hay bị ngủ gật.

Lơ tốt còn hơn lái tồi: chỉ khi chạy đường xa, vai trò của anh phụ lái này đôi khi rất quan trọng. Chẳng hạn, khi lái xe chính có biểu hiện buồn ngủ, với kinh nghiệm của một người lơ tốt, anh ta lập tức nhắc nhở ngay. Nhiều khi có anh ta mà hành khách thoát hiểm trong gang tấc.

Mưa tránh trắng, nắng tránh đen: tức là trời mưa thì nên tránh chỗ nào trắng trắng vì đó dễ là vũng nước. Khi trời khô ráo tránh khu vực thẫm màu vì có thể là bãi phân trâu bò.

Ba (giây) xanh thì bỏ, ba (giây) đỏ thì đi: khi đến ngã tư, gặp đèn xanh còn một vài giây thì tốt nhất dừng lại không nên phóng nhanh cho kịp qua vì dễ bị mấy tay lái cắt ngang khi đèn chưa xanh đã khởi hành. Ngược lại, thấy đèn đỏ, chờ hết giây hẵng đi.

Tài già căn non, tài non căn già: các bác tài lái lâu năm thường có kỹ năng lái hơn người mới cầm vô-lăng.

Làm tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại: áp dụng vế một vào lái ôtô thì tuyệt. Mỗi khi các bác đi sau một xe khác, nếu xe đó là một tài già, đi đứng cẩn thận chuẩn chỉnh thì chỉ cần bám đuôi là ngon. Còn đi sau lái mới, thi thoảng phanh đột ngột thì giật mình lắm, hoặc lái mới lờ đờ cũng rất mệt. Còn gặp người đi ẩu cũng chẳng theo được.

Ra đường sợ nhất công nông: nên tránh xa các xe tính năng an toàn thấp.

Nhanh một giây, chậm cả đời: khi tham gia giao thông, mỗi người nên nhường nhịn nhau một chút, đi chậm từ tốn hơn… sẽ hạn chế tối đa tai nạn cho mình và cho mọi người.