Phanh ABS phổ biến hầu hết trên những chiếc ô tô ngày nay, trang bị này giúp xe chủ động chống bó cứng phanh, giảm tốc an toàn trong trường hợp khẩn cấp.
Phanh ABS là gì ?
Phanh ABS (Anti – Lock Brake System) là hệ thống giúp bánh xe không bị bó cứng khi phanh khẩn cấp, chống bánh xe bị trượt dài trên mặt đường. Qua đó giúp tài xế kiểm soát được tay lái và xe luôn trong tình trạng ổn định.
Hệ thống phanh ABS có tác dụng gì ?. (Ảnh minh hoạ)
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của phanh ABS
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS bao gồm 4 phần:
Cảm biến tốc độ (roto) được trang bị ở bánh trước và bánh sau. Cảm biến có cấu tạo từ nam châm vĩnh cửu, cuộn dây lõi từ, cảm biến này giúp xe nhận biết được tốc độ xe và truyền thông tin đến bộ xử lý ECU.
Cảm biến giảm tốc giúp hệ thống phanh ABS đo được sự giảm tốc của bánh xe, thông qua đó có thể điều chỉnh được áp suất dầu phanh hợp lý. Có 2 loại cảm biến giảm tốc được lắp trên xe là cảm biến đặt dọc và cảm biến đặt ngang, được cấu tạo gồm 2 cặp đèn LED và Transistor, đĩa xẻ rãnh, mạch chuyển đổi tín hiệu.
Bộ chấp hành phanh ABS có nhiệm vụ cung cấp mức áp suất dầu tối ưu nhất đến xilanh của phanh bánh xe, để chống tình trạng bó cứng phanh. Bộ chấp hành phanh ABS bao gồm có van điện tử, bình tích áp, motor điện và bơm dầu.
Bộ điều khiển đóng vai trò là trung tâm điều khiển của hệ thống phanh. Bộ phận này tiếp nhận thông tin tốc độ qua các bánh xe và tính toán sao cho bộ chấp hành phanh thuỷ lực cung cấp áp suất dầu phù hợp để tránh tình trạng chống bó cứng phanh.
Nguyên lý hoạt động của phanh ABS
Khi xe gặp một tình huống khẩn cấp, cần phải dừng xe gấp, cảm biến tốc độ được lắp ở bánh xe khi nhận thấy tốc độ quay của bánh xe chậm hơn so với quy định, sẽ gửi tính hiệu đến bộ điều khiển trung tâm. Từ đó bộ điều khiển trung tâm sẽ tính toán và ra lệnh cho bộ chấp hành ABS để cung cấp mức áp suất dầu phanh phù hợp.
Cách sử dụng phanh ABS hiệu quả
Với mỗi cảm biến tốc độ ở bánh xe, hệ thống phanh ABS sẽ tự động kích hoạt khi người lái sử dụng phanh. Người lái có thể kiểm tra hoạt động của phanh ABS thông qua đèn báo trên đồng hồ trong cabin xe, đèn báo phát sáng khi khởi động xe, và tắt ngay khi sẽ chạy được một lúc.
Trong trường hợp đèn báo phanh ABS nhấp nháy liên tục thì có nghĩa phanh ABS đang bị lỗi, khi đó hệ thống phanh ABS sẽ bị vô hiệu hoá, người dùng nên đưa xe ngay đến gara để kiểm tra và sửa chữa.
Nhiều người dùng vẫn lầm tưởng hệ thống phanh ABS sẽ rút ngắn quãng đường phanh, nhưng trên thực tế phanh ABS chỉ giúp xe kiểm soát hướng lái, hạn chế hiện tượng xe bị trượt, mất kiểm soát khi phanh ở tốc độ cao.
Vì vậy không nên ỷ lại vào hệ thống phanh ABS mà lái xe ở tốc độ cao, vượt ẩu, phanh gấp, hệ thống phanh ABS chỉ hỗ trợ phanh an toàn hơn chứ không thể hoàn toàn tránh được những tình huống nguy hiểm.
Đối với phanh ABS người lái không cần nhấn hoặc nhả phanh, những xe không có hệ thống phanh ABS, khi phanh gấp để tránh trường hợp phanh bị bó, người lái sẽ phải rà phanh hoặc đạp nhấp nhả phanh nhiều lần.
Riêng với những xe có hệ thống phanh ABS, người lái không cần thực hiện thao tác nhấp nhả chân phanh nhiều lần, chỉ cần giữ chân phanh, vì hệ thống ABS đã tiến hành thao tác này.