Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM và một số giáo viên dạy đào tạo sát hạch lái xe cho rằng, phần thi mô phỏng không phản ánh được thực tế diễn ra trên đường, một số câu hỏi lý thuyết mang tính đánh đố, gây khó.
Thí sinh rớt phần mô phỏng nhiều
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, cho biết, năm 2023, trên địa bàn thành phố có 1.500 cuộc thi sát hạch giấy phép lái xe. Mỗi kỳ thi có khoảng 300 thí sinh, tỷ lệ đậu từ 60 đến 62%.
Theo thống kê, có gần 120.000 người bị rớt khi thi sát hạch giấy phép lái xe. Con số này so với các năm không nhiều. Tỷ lệ đậu sát hạch mô tô đạt 78,72%, giảm 36% so với năm 2022; tỷ lệ đậu sát hạch ô tô đạt 54,19%, giảm 55,4% so với năm 2022.
Theo ông An, học phần thi năm nay khó hơn. Trước đây chỉ có phần thi lý thuyết và sa hình, nay có thêm mô phỏng tình huống giao thông. Phần mô phỏng này thầy giáo thi còn rớt vì áp đặt theo ý chí của người viết phần mềm.
Mỗi tình huống thi mô phỏng đòi hỏi người làm bài phải tìm cách phản ứng thế nào cho chính xác. Ví dụ, tình huống có đá ở trên đèo sạt xuống đường, có thể tài xế dừng sớm hoặc dừng trễ, nhưng phải đúng thời gian người viết phần mềm quy định, nếu không sẽ mất điểm.
Phần mô phỏng có tới 120 tình huống theo ý của người viết phần mềm, không phản ánh được thực tiễn diễn ra trên đường, cho nên thí sinh rớt phần thi này tương đối cao.
“Tỷ lệ đậu sát hạch giấy phép lái xe ở nước ta hiện nay cũng tương đương với các nước phát triển. Không thể nào sát hạch lái xe mà học viên đậu 100% được. Đáng chú ý là phần thi mô phỏng không đánh giá được thực tiễn của người lái xe trên đường”, ông An nói.
Cán bộ tổ chức thi sa hình thuộc Sở GTVT TPHCM đang hướng dẫn buổi thi sa hình tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi (Ảnh: An Huy).
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, đơn vị đã gửi kiến nghị đến Cục Đường bộ Việt Nam về phần thi mô phỏng này. Cục Đường bộ và Bộ Giao thông Vận tải cũng đang sửa phần thi mô phỏng.
Ông cho rằng nếu không bỏ được phần thi mô phỏng cũng nên đưa chương trình học này vào dạy để học viên nắm chứ không phải thi. Hiện, người hết hạn bằng lái khi đi thi lại vẫn phải thực hiện phần mô phỏng này, gây cho họ nhiều khó khăn.
Ông An cho biết, trước đây đã có chương trình học lái xe bằng cabin, nhưng không phù hợp nên đã bỏ. Hiện nay, Cục Đường bộ tiếp tục đưa phần học cabin quay trở lại, quy định mỗi người phải học đủ 4 giờ trước khi thi sát hạch.
“Học viên học 4 giờ phần cabin cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tôi có ngồi học thử 2 tiếng, khi bước xuống thì ói luôn. Đưa phần này vào chương trình giảng dạy thành gánh nặng cho các cơ sở đào tạo. Một ngày 12 tiếng thì chỉ có 3 người hoàn thành học cabin, trong khi một khóa học có hơn 100 người.
Một cabin hiện có giá hơn 500 triệu đồng, tương đương một chiếc xe hơi. Cho nên, phần này cũng thành gánh nặng cho các cơ sở đào tạo. Phần thi trên cũng không thiết thực. Chương trình dạy lái xe ở Việt Nam cũng đang dài nhất thế giới”, ông An nói.
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, Nhà nước chỉ quản lý sát hạch lái xe, còn các cơ sở đào tạo tự quy định học phí. Việc tổ chức đào tạo là thị trường nên người học có quyền lựa chọn.
“Người học lái xe và trung tâm đào tạo nên có thỏa thuận rõ về học phí, thời gian và điều kiện học. Nếu phát hiện trung tâm đào tạo lái xe có hành vi tiêu cực… Sở GTVT sẽ kiểm tra, xử phạt theo quy định.
Trong góp ý sắp tới, đơn vị cũng sẽ đề nghị Cục Đường bộ và Cục CSGT bỏ phần thi tốt nghiệp lái xe vì từng môn học, học viên đã thi rồi thì hà cớ gì bắt họ phải thi thêm một lần nữa, vừa tốn thời gian, tiền bạc và gánh nặng cho xã hội”, ông An nói.
Học viên đang thực hiện thi lý thuyết trong phòng thi và chờ thi thực hành ở Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi (Ảnh: An Huy).
Nguy hiểm khi học theo mẹo
Ông N.V.T. (48 tuổi, giáo viên dạy lái xe một trường ở quận Phú Nhuận) cho biết, bản thân là giáo viên đào tạo lái xe, ông cũng thấy nhiều vấn đề không hợp lý trong chương trình giảng dạy, nhất là phần mô phỏng.
Trong quy tắc khi tham gia giao thông, nếu phát hiện tình huống, tài xế xử lý càng sớm, độ an toàn nhiều hơn. Trong khi phần mềm mô phỏng được lập trình sẵn, đến một điểm nào đó mới được bấm. Học viên bấm sớm sẽ mất điểm, mà bấm trễ 1-2 giây sẽ dẫn đến điểm thấp hoặc mất điểm, giống như đánh đố người thi.
“Chẳng hạn mỗi tình huống bấm giây thứ 10 được 5 điểm, nhưng bấm giây 9,5 vẫn là 0 điểm. Bấm sớm hơn 1/10 giây so với quy định là rớt, nên phần này học viên trượt rất nhiều”, ông T. nói.
Theo giáo viên dạy lái xe, chương trình học có 120 câu mô phỏng, mỗi câu phải xác định thời gian nào cần bấm tình huống. Học viên căng thẳng tâm lý nên hay bấm trật. Học viên bấm trật một câu dẫn đến họ có tâm lý phải gỡ điểm. Họ càng cố gắng bấm được 5 điểm thì càng bị 0 điểm. Phần học và thi mô phỏng rất thừa thãi, không áp dụng được vào thực tế khi tham gia giao thông.
Học viên đang thi sát hạch giấy phép lái xe tại một trung tâm ở huyện Nhà Bè, TPHCM (Ảnh: An Huy).
Ngoài ra, nhiều trường ở TPHCM đang có tình trạng cho học viên học theo mẹo. Khi người học theo cách này, thi sát hạch đậu và cầm lái ô tô thì họ không nắm rõ luật, cực kỳ nguy hiểm.
Trong 600 câu lý thuyết, nhiều câu ở từng hạng trộn lẫn vào nhau không hợp lý. Chẳng hạn khi đào tạo hạng B2, tại sao phải hỏi biển cấm của xe máy kéo. Bằng B2 đâu có cho phép tài xế lái loại xe này. Học bằng B2 nhưng trong chương trình dạy có câu khi đi xe máy qua ổ gà thì phải xử lý thế nào là không hợp lý.
“Cục Đường bộ nên tách riêng từng loại xe quy định cho mỗi bằng để học viên dễ nắm. Đồng thời, phần lý thuyết không nên dùng thuật ngữ chuyên môn nhiều vì mang tính đánh đố”, giáo viên T. nói một số bất cập trong chương trình học.
Sở GTVT TPHCM cho biết trên địa bàn hiện có 56 cơ sở đào tạo lái ô tô, 18 cơ sở đào tạo lái xe máy và 19 trung tâm sát hạch lái xe đang hoạt động. Tổng số giấy phép lái xe Sở GTVT đang quản lý hiện nay là hơn 12,6 triệu.
Tính đến hết tháng 11, Sở GTVT đã tổ chức thi sát hạch cho 394.557 thí sinh (đạt 60,12% so với năm trước). Tuy nhiên, chỉ có 274.813 thí sinh thi đậu sát hạch được cấp bằng lái (gồm 194.925 thí sinh đậu bằng lái xe máy, 79.888 đậu bằng lái ô tô). Như vậy, có đến 119.744 thí sinh thi rớt sát hạch lái xe trong 11 tháng.
Ngày 22/4/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có một số điểm mới.
Theo đó, học viên học bằng lái ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3-4 giờ/khóa học. Học viên học nâng hạng bằng lái ô tô sẽ học lái xe trên cabin mô phỏng 1 giờ. Đồng thời, học viên sẽ phải học 120 tình huống mô phỏng giao thông và thi mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính.
Đối với hạng B1, học viên phải lái xe đạt tối thiểu 710km (đáp ứng đủ lái xe tối thiểu 12 giờ, trong đó có 4 giờ lái xe vào ban đêm); với hạng B2, học viên phải hoàn thành tối thiểu quãng đường 810km (lái xe tối thiểu 20 giờ, trong đó có 4 giờ vào ban đêm và 3,2 giờ trên xe số tự động).
Với hạng C, học viên phải hoàn thành tối thiếu 825km, (đáp ứng 24 giờ lái xe tối thiểu, 4 giờ lái xe ban đêm và 3,2 giờ giờ học trên xe số tự động).